Sinh viên sư phạm - trăn trở tìm việc
15:59', 24/8/ 2003 (GMT+7)

"Lần đầu tiên, Hội chợ Việc làm mới được tổ chức tại Quy Nhơn nên mình tranh thủ cầm theo vài bộ hồ sơ, nộp vào một cơ quan nào đó, phòng hờ không đi dạy được thì còn có chỗ dựa đợi năm sau tiếp tục" - Hương vừa lúi húi ghi chép vội vàng để hoàn tất hồ sơ xin việc vừa tâm sự. Nụ cười vẫn nở trên môi nhưng cô không giấu nổi sự lo âu trong hành trình đi tìm việc làm.

* Vượt "cửa ải"

Sư phạm là một trong những ngành học mà sinh viên (SV) yên tâm ngay từ khi bước chân vào giảng đường cho đến khi ra trường, rồi đi xin việc. Tuy nhiên, trên thực tế trong những năm gần đây, đầu ra của ngành sư phạm không còn hứa hẹn nhiều thuận lợi nữa. Tìm được một chỗ dạy đã trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với các thầy giáo, cô giáo tương lai.

Trước đây, khi vừa kết thúc khóa học, các SV ngành sư phạm lại bắt đầu lao vào một cuộc đua mới gay go và phức tạp hơn nhiều so với lúc bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học: Thi tuyển công chức. Đây là một vấn đề khá nan giải đối với các SV bởi số lượng người thi công chức rất đông trong khi nhu cầu tuyển giáo viên (GV) lại rất hạn chế. Năm học này, thông qua Quy chế xét tuyển dụng GV phổ thông, mầm non do UBND tỉnh Bình Định ban hành ngày 19-8-2002; ngành GD và ĐT đã áp dụng hình thức xét tuyển. Để đảm bảo tính công bằng trong tuyển dụng và yêu cầu ngày càng cao của ngành GD và ĐT, những người có trách nhiệm đã "thắt chặt" hơn điều kiện của người tham gia xét tuyển. Do đó, dù được tuyển dụng dưới hình thức nào, các SV cũng đều phải trải qua một chặng đường đầy chông gai để vượt qua "cửa ải" cuối cùng trước thực hiện mơ ước của mình.

* Những nẻo đường tìm việc

Gặp lại cô bạn gái Như Ngọc (SV khoa Văn trường ĐHSP Quy Nhơn) tại Phòng công chứng số 1, tôi vừa mừng vừa buồn khi thấy cô cầm trên tay dễ chừng có đến 6, 7 bản sao bằng tốt nghiệp loại khá. Thời còn học phổ thông, lực học của Ngọc không xoàng (có thể nói nhất nhì của trường), bản tính nhanh nhạy, lại mang niềm đam mê trở thành cô giáo dạy văn. Cô tâm sự: "Mình đã nộp vào ngành sư phạm bộ hồ sơ ưng ý nhất, làm từ khi vừa có điểm thi cuối khóa. Nhưng nghe nói, cơ hội cho những người dự xét tuyển có bằng khá cũng không mấy khả quan. Vì thế, mình đi công chứng thêm vài cái nữa, nộp hồ sơ vào cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nào đó, làm trái ngành nghề còn hơn phải ở nhà nghe điệp khúc "hỏi thăm" của bà con lối xóm".

Thanh Bình tốt nghiệp khoa Giáo dục tiểu học trường ĐHSP Quy Nhơn đã 3 năm. Cô nộp đơn thi tuyển công chức vào trường này nhưng không đậu, thế là... xôi hỏng bỏng không. Sau 4 năm học vất vả, không lẽ chỉ vì thi tuyển công chức không được mà chịu thất nghiệp, mang tiếng nằm nhà ăn bám bố mẹ. Phải "cạy cục" dò hỏi thông tin, Thanh Bình mới xin được một chỗ dạy hợp đồng. Tiền lương một tháng tính theo tiết, mỗi tuần dạy từ 3-5 tiết không đủ cho sinh hoạt hằng ngày. Điều trớ trêu là hai năm nay, cô "lang thang" dạy hợp đồng từ trường này sang trường khác mà vẫn chưa tìm được một chỗ tạm yên ổn để chờ ngày xét tuyển.

Trong số các bạn đang dán mắt vào danh sách tuyển dụng để "chọn trường gởi thân", Thảo Ly (phường Quang Trung, Quy Nhơn) vẫn "bình chân như vại". Tôi càng chưng hửng hơn với câu trả lời của Ly: "SV tốt nghiệp loại khá còn chưa có việc, trung bình như tụi mình làm sao chen nổi (?!)".

Song, con đường xin việc của SV sư phạm như thế cũng còn chưa thấm vào đâu. Cùng học một lớp, cùng một hoàn cảnh với Thanh Bình, Như Phượng dường như đã đoạn tuyệt hẳn với nghề giáo của mình. Không thành công trong lần vượt "ải" thi công chức, Phượng dạy thêm cho bọn trẻ trong xóm chờ cơ hội. Mỗi tháng chỉ ngót 180.000 đồng nhưng được cái không bị lụt nghề. Thế nhưng "bầu nhiệt huyết" của Phượng giảm dần sau 3 năm chờ đợi không một tín hiệu. Phượng chấp nhận làm tất cả các công việc khác như bán hàng, tiếp thị, công nhân.

* Long đong nghề giáo

Ban Tổ chức chính quyền tỉnh cho biết, chỉ trong vài ngày 3.000 bộ hồ sơ xét tuyển công chức ngành GD và ĐT đã bán hết. Năm học này, ngành GD và ĐT tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 639 GV làm nhiệm vụ giảng dạy. Theo ông Phạm Đình Sinh, Phó chủ tịch Hội đồng xét tuyển dụng công chức GV phổ thông, mầm non tỉnh Bình Định: "Điều đáng lo là cơ hội vào nghề của SV ngành giáo dục tiểu học sẽ rất ít. Với 73 GV cần cho bậc tiểu học thì một nửa cần cho các môn học đặc thù. Theo dự báo, năm học 2003-2004, sẽ phải giảm khoảng 150 lớp một do số học sinh giảm và xu hướng này kéo dài đến năm 2005". Trong chủ trương của Bộ GD và ĐT, ngành tiểu học được đào tạo ở cả đại học, cao đẳng và trung học nhưng không có sự điều chỉnh chỉ tiêu tuyển đầu vào. Chính điều này đã tạo ra sự "bất ổn" cho đầu ra, tạo nên sức ép lớn cho ngành. Chỉ tính riêng trường CĐSP Bình Định, ngành tiểu học có tới 142 SV, chưa kể khoa giáo dục tiểu học của trường ĐHSP Quy Nhơn.

Việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự: Người dân tộc thiểu số, bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi, khá, GV hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế giảng dạy từ 2 năm trở lên có đóng bảo hiểm xã hội và được cấp thẩm quyền duyệt. Được biết trong năm ngoái, số GV trong hợp đồng cả 3 cấp lên đến 400 GV. Sang năm, số GV này sẽ được xét tuyển cộng với số SV tốt nghiệp loại khá, giỏi thì cơ hội cho các SV trung bình là rất hiếm hoi. Khi đặt câu hỏi về hướng giải quyết đối với số SV còn dư, ông Phạm Đình Sinh cho biết, hướng giải quyết thuyết phục nhất là cho số GV lớn tuổi được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của Chính phủ.

Và có lẽ, chỉ có mỗi giải pháp ấy mới có thể giải quyết phần nào đầu ra cho SV các trường sư phạm.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vào đại học không phải là con đường duy nhất   (22/08/2003)
Công bố kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ: Nguồn nào là "chuẩn"?   (21/08/2003)
Những khởi động bước đầu của Trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định   (20/08/2003)
Ghi nhận từ giao lưu "Cơ hội việc làm và nghề nghiệp"   (19/08/2003)
Bạn trẻ nói gì về Hội chợ việc làm?   (18/08/2003)
Kết bạn với "Sun Hee & Jin Hee"   (17/08/2003)
7 cách để bạn gái có một dáng đi đẹp   (15/08/2003)
Những biểu tượng tình yêu  (14/08/2003)
Những người trẻ mãi   (13/08/2003)
Đoán tính cách qua cách nghe điện thoại   (12/08/2003)
Sự huyền diệu của tình yêu   (11/08/2003)
Ca sĩ Quang Dũng: Tôi mơ cùng Hàn Mặc Tử   (10/08/2003)
Cơ hội việc làm cho sinh viên   (07/08/2003)
Đâu cần thanh niên có   (06/08/2003)
Gian nan tìm nơi thực tập   (05/08/2003)