|
Ngô Đăng Lưu |
Ngô Đăng Lưu, sinh năm 1973, là học sinh cũ của trường Quốc Học Quy Nhơn. Rời trường, anh thi vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng và bảo vệ đồ án tốt nghiệp ở trường này đạt loại xuất sắc với điểm số 10/10, thủ khoa của khóa học 1991-1996. Được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy nhưng Ngô Đăng Lưu muốn thử sức mình trong lĩnh vực "ứng dụng". Anh xin vào làm kỹ thuật viên giám sát công trình điện tại BQL Dự án Thủy điện Sông Hinh. Ở đây được 2 năm, anh tiếp tục thi vào khóa đào tạo cao học của ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh và sau 2 năm nỗ lực học tập, anh đã đỗ thủ khoa và lấy được bằng thạc sĩ của ngành năng lượng điện. Không dừng lại đó, Ngô Đăng Lưu lại tiếp tục thi và đỗ nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và ở lại trường này nghiên cứu được gần 2 năm nữa thì được trường cử đi du học tại Mỹ. Anh là sinh viên duy nhất được "đặc cách" cùng với 7 giảng viên đầu ngành của Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh du học tại Mỹ bằng học bổng của Nhà nước trong năm nay. Anh tâm sự: "Để có được ngày hôm nay, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều…".
Trong thời gian làm kỹ thuật viên, anh nhận thấy những sự cố về điện thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, ở các nhà máy điện hiện nay, việc xử lý những "sự cố" còn áp dụng theo nguyên tắc "chuyên gia" (chủ quan, phỏng đoán nhiều hơn là dựa trên những tính toán khoa học), do đó, kết quả xử lý thường không chính xác và mất rất nhiều thời gian. Ngô Đăng Lưu đã đeo đuổi đề tài "ứng dụng mạng Nơron Network để chuẩn đoán và xử lý sự cố hệ thống điện". Những nghiên cứu từ đề tài này cho phép dùng kỹ thuật vi tính để xử lý sự cố điện mà mạng Nơron Network là chương trình mới nhất hiện nay. Thành công của đề tài cho phép việc xử lý sự cố điện nhanh và hiệu quả hơn, góp phần giảm bớt những thiệt hại, bảo vệ máy móc và tiết kiệm điện cho ngành năng lượng.
Để đeo đuổi con đường học vấn trong hoàn cảnh ba mẹ là cán bộ Nhà nước, đời sống chưa mấy khá giả, anh đã phải vừa tự học vừa làm thêm để "kiếm học phí". Anh tâm sự: "Phải biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý. Chẳng hạn, buổi sáng thức dậy sớm nên học ngoại ngữ sau đó tranh thủ giải bài tập toán, buổi chiều giải bài tập chuyên môn". Hồi còn học ở phổ thông, anh chỉ học khá và chưa có thành tích gì nổi trội. Nhưng nhờ cần cù, chịu khó anh càng ngày càng nắm chắc kiến thức.
Để có được như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân, truyền thống của gia đình cũng là một đòn bẩy giúp Ngô Đăng Lưu "xuất phát" và "vượt chướng ngại vật". Ba anh là kỹ sư thủy lợi Ngô Phú, trước đây cũng đã từng ấp ủ những dự án cải tạo ngành điện nhưng rồi do hoàn cảnh chiến tranh phải bỏ dở. Làm luận án tiến sĩ với đề tài về điện, Ngô Đăng Lưu muốn tiếp nối sự nghiệp còn dang dở của ba anh. Gia đình anh có ba anh em, thì anh trai Ngô Đình Phong hiện cũng đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Em gái là Ngô Thị Thanh Trà, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, hiện đang làm tại Công ty sản xuất vật liệu xây dựng 75.
Ngô Đăng Lưu dự định sau khi lấy được bằng tiến sĩ, anh sẽ đứng ra thành lập một Viện nghiên cứu khoa học về điện với mong muốn đóng góp thật nhiều cho ngành điện năng. Với chàng trai không hề biết mệt mỏi trên con đường tìm kiếm tri thức như Ngô Đăng Lưu thì sau mỗi chặng đường, mỗi cái đích luôn là một vạch xuất phát mới.
. Ngọc Quỳnh
|