Tân sinh viên và nỗi lo tựu trường
16:38', 19/9/ 2003 (GMT+7)

Những ngày đầu tháng 9, Trường ĐHSP Quy Nhơn và CĐSP Bình Định náo nhiệt hẳn lên bởi những tân sinh viên (SV) và phụ huynh (PH) tay xách nách mang từ mọi miền quê đổ về đây làm thủ tục nhập học. Ngoài niềm vui và háo hức, mùa tựu trường cũng đầy ắp những nỗi lo về chuyện học hành, ăn ở, quan hệ bạn bè…

Với những gia đình nghèo, cái lo đã đến từ rất sớm, ngay khi giấy báo nhập học vừa về đến nhà. Quang Khánh (thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước) ngậm ngùi kể: Mẹ của Khánh phải đi làm thuê để nuôi 5 anh em đang tuổi ăn tuổi học. Khánh là con trai lớn trong nhà, đã mấy lần cậu nghỉ học ở nhà kiếm việc làm phụ giúp mẹ nhưng bà không chịu. Bà bảo, khó gì thì khó, bà cũng phải lo được cho mấy anh em học hành tới nơi tới chốn. Khi nhận được giấy báo nhập học của trường, dù rất vui nhưng Khánh biết mẹ phải suy nghĩ nhiều lắm. Để có tiền lo cho Khánh nhập học vào trường CĐSP Bình Định, mẹ cậu đã phải vay mượn từ các cô, các chú trong họ. Và những câu chuyện như Khánh đâu phải là ít.

- Trường ĐHSP Quy Nhơn có hơn 3.000 chỗ ở nội trú. Giá tiền từ 150 đến 600 ngàn đồng/chỗ/năm. Đến nay KTX đã lấp đầy hơn 2.000 chỗ.

- Trường CĐSP Bình Định có 480 chỗ ở nội trú. Trong đó giá tiền nội trú phân thành các nhóm đối tượng: đối tượng 05, 06 là 20 ngàn đồng/chỗ/tháng; đối tượng 07, 08 là 25 ngàn đồng/chỗ/tháng, đối tượng 09 là 30 ngàn đồng/chỗ/tháng.

- Quỹ tín dụng SV (Ngân hàng chính sách xã hội) sẽ cho SV trường ĐHSP Quy Nhơn và trường CĐSP Bình Định vay hỗ trợ học tập với mức 2 triệu đồng/năm. Ngân hàng cũng đang trình lên Thống đốc Ngân hàng Việt Nam kế hoạch tăng mức vay cho SV lên 3 triệu đồng/năm.

Nhìn dáng bà Trần Thị Bắc (CưMgar-Đắc Lắc) đang tất bật chuẩn bị nào thau chậu, nồi niêu cho cậu con trai út nhập học vào trường ĐHSP Quy Nhơn mới càng thấm thía hơn nỗi khổ của các PH và tân SV. Bà bộc bạch nỗi niềm: "Nhà có 3 anh em trai, chỉ có thằng út là học được. Vợ chồng tôi đã nghèo lại không có chữ nghĩa nên chỉ muốn con mình không rơi vào cảnh như cha mẹ nó nữa. Bây giờ mình chịu khổ một chút để sau này nó có nghề nghiệp, cuộc sống sung sướng hơn". Chí hướng là vậy nhưng khi nghe tin con đậu ĐH, nhiều nhà phải đến khổ vì các khoản tiền đầu khóa. SV ngành sư phạm còn dễ thở hơn cái khoản học phí, chứ SV ngành tổng hợp và liên kết đụng vào đâu cũng thấy tiền…

Ngày đầu tiên đi học xa nhà, nhiều SV được PH lo từ A đến Z. Trong khi Bùi Quốc Anh (khoa CNTT) đang làm thủ tục nhập học phía trong hội trường ĐHSP Quy Nhơn, bên ngoài mẹ cậu thấp thỏm không yên vì sợ hồ sơ thiếu giấy tờ. Từ huyện Thiệu Sơn (Thanh Hóa), ròng rã một ngày một đêm trên xe đò, vượt qua quãng đường dài gần 1000 km, ông Nguyễn Để gác hết chuyện đồng áng "tháp tùng" con gái vào Quy Nhơn nhập học. Vốn tính cẩn thận lại tháo vát của một quân nhân xuất ngũ, nên mọi chuyện từ thủ tục nhập học đến mua sắm ông đều làm thay cho con. Nhìn ông nhanh nhảu và khéo léo lên kế hoạch mua sắm từng cây kim sợi chỉ, các SV cũng phải phát ghen với cô bạn gái.

Trong số những gương mặt SV mới toanh ấy, nhiều bạn đã không có điều kiện được gia đình đưa đi đến nơi về đến chốn. Bạn Ngọc Diễm (Khoa Ngoại ngữ) cùng mấy người bạn trọ chung phòng phải mất 2 ngày liền để mua sắm đồ đạc sinh hoạt trong phòng. Cũng may, Diễm đã xa nhà (Iapa-Gia Lai) xuống học ở Quy Nhơn từ khi mới học lớp 7 nên không bỡ ngỡ lắm. Diễm khệ nệ ôm về một lô xoong chảo, gạo nước... Diễm cũng không quên kèm theo một thùng mì tôm phòng khi nửa đêm bụng réo. Diễm đùa vui, tất cả đều đã sẵn sàng, chỉ còn mỗi khoản sách học phải chờ nhà trường hướng dẫn nữa mà thôi.

Chuyện "cơm niêu, nước lọ" xem như tạm ổn, nhưng còn chuyện quan hệ bạn bè, người xung quanh? Mới năm đầu tiên, lạ lẫm với lối sống của người địa phương nên nhiều PH và SV chọn giải pháp ở KTX cho đỡ phải bị va chạm. Bạn Đặng Văn Khán một thân một mình từ Đức Phổ (Quảng Ngãi) vào Quy Nhơn để làm thủ tục nhập học vào khoa TDTT (trường ĐHSP Quy Nhơn). Tuy đã trải qua kinh nghiệm ôn thi ở Quy Nhơn gần 2 tháng trời nhưng cậu vẫn chọn KTX làm nơi đóng đô cho 4 năm ĐH của mình. Trong phòng KTX rộng chừng 24m2, với 8 SV thì đã tập trung 2/3 là SV các tỉnh miền Trung. Mỗi người một giọng nói, một lối sống riêng. Theo Khán, cậu chỉ e dè mỗi chuyện bạn bè tứ xứ, không cùng tính nết, không hiểu nhau dễ sinh ra va chạm. Thế nhưng, vừa xong câu trước, câu sau Khán đã "sổ" một tràng tiếng lóng pha trò mà cậu vừa học được của một bạn người Huế ở cùng phòng: Nói đùa cho vui rứa thôi, chứ không có chuyện chi mô!

Trái lại, Mỹ Hạnh (Hoài Nhơn-Bình Định) vừa vào đến Quy Nhơn đã tất bật đi tìm nhà trọ. KTX trường CĐSP Bình Định chỉ giải quyết được 480 chỗ ở nội trú. Hơn nữa, Hạnh còn có lý do: ở KTX toàn SV nên dễ có chuyện hội hè, trong khi cô cần tập trung học ngay từ đầu. Rút kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, Hạnh chọn nhà trọ ít người, có công trình phụ và lối đi biệt lập với nhà chủ.

Vượt qua kỳ thi ĐH đầy cam go, giờ đây, những cô cử, cậu cử tương lai lại phải đối mặt với những khó khăn mới khi bắt đầu cuộc đời một SV. Tuy vậy, với những tân SV mà chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện, tất cả đều thể hiện quyết tâm vượt qua khó khăn để học tập và rèn luyện, xứng đáng với những gì mà gia đình và bạn bè kỳ vọng vào họ.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giấc mơ   (18/09/2003)
Bội thực phim Hàn Quốc  (17/09/2003)
Ngô Đăng Lưu - người luôn ở vạch xuất phát   (15/09/2003)
Chuyện động trời   (14/09/2003)
Tô Đình Trường và niềm say mê công nghệ thông tin   (12/09/2003)
Chàng trai say mê môn hóa   (11/09/2003)
Mang Trung thu đến với trẻ em nghèo   (10/09/2003)
Mẹ!   (09/09/2003)
Những ước mơ thơ trẻ!   (08/09/2003)
Một mùa hè sôi động ở Đoàn phường Lý Thường Kiệt   (07/09/2003)
Tết Trung thu   (05/09/2003)
Quy Nhơn ngày trở lại   (04/09/2003)
Những điều ghi được từ giao lưu "Tự hào thương hiệu Việt"   (03/09/2003)
Những gương mặt nhận Giải thưởng Quang Trung   (03/09/2003)
Lê Mạnh Toàn với giải thưởng Kim Đồng   (02/09/2003)