Không sinh ra trong một nhà nhưng lại coi nhau như anh em, không cùng quê nhưng lại sống với nhau từ nhỏ, rồi lớn lên, học cùng một nghề, ở chung phòng 306. Và tất cả đều chung một ước mơ…
* Phòng 306
"Anh cả" Trần Đức Lộc, trưởng phòng 306 Khu ký túc xá Trường Công nhân Kỹ thuật (CNKT) Quy Nhơn, quê ở Vân Canh, năm nay 22 tuổi. Ba mất từ hồi Lộc chưa biết gì, mẹ đi bước nữa, hai anh em Lộc sống cùng với bà ngoại từ nhỏ. Năm 1996, Lộc được đưa xuống Trung tâm Bảo trợ Xã hội (BTXH) Bình Định ở An Nhơn nuôi dưỡng. Năm 2001, học hết bậc THCS, Lộc thi vào Trường CNKT Quy Nhơn hệ công nhân học nghề cơ khí tổng hợp. Năm học 2003-2004 này Lộc đã là học sinh năm cuối của lớp Cơ khí tổng hợp D, khóa 27. "Chỉ 5 tháng nữa là em ra trường", Lộc vui vẻ cho biết.
Không chỉ có Lộc, mà 6 bạn nữa là Lê Đức Báu, Cao Văn Dương, Trà Quý Lĩnh, Huỳnh Tấn Mạnh, Trần Đình Tài và Nguyễn Văn Thành đều là học sinh lớp Cơ khí tổng hợp D, khóa 27. Tất cả sàn sàn tuổi nhau có chung hoàn cảnh: là trẻ mồ côi, gia đình khó khăn và được nuôi dưỡng tại Trung tâm BTXH tỉnh. Thầy giáo Huỳnh Hài, chủ nhiệm lớp Cơ khí tổng hợp D, khóa 27, nhận xét: "So với các học sinh khác trong lớp, các em này có ý thức học tập và có chí tiến thủ hơn. Em Trà Quý Lĩnh là học sinh khá của lớp, được học bổng và hiện là Bí thư Chi đoàn của lớp". Năm học 2001-2002, điểm trung bình của Lĩnh là 7,3, năm 2002-2003: 7,4. So với các bạn có hoàn cảnh may mắn hơn điểm số đó có thể là chưa cao, nhưng đối với Lĩnh đó là sự nỗ lực hết mức. Lĩnh quê ở Ân Hảo (Hoài Ân) mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới 6 tuổi. Hiện cậu lãnh "trọng trách" các cô chú ở Trung tâm BTXH giao cho là phải theo dõi, nhắc nhở các thành viên trong phòng học tập.
Hiện nay ở phòng 306 có 11 thành viên. Ngoài 7 bạn kể trên còn có hai bạn nhỏ tuổi hơn là Mạnh và Hưng, đang học năm hai hệ CNKT khoa Cơ khí công cụ. Hôm tôi đến vừa khi hai "tân binh" Nguyễn Văn Quý và Đàm Quang Thiện, đều 16 tuổi, đi học chính trị về. Cả hai mới nhập trường hôm 16-9 và đang chuẩn bị sách vở để tuần sau đi học. "Bọn em học bên động lực. Bữa giờ được nghe thầy cô giáo phổ biến những điều cần thiết khi vào học. Thật khác so với hồi học ở nhà", Quý bảo vậy. Ngoài giờ học chính quy tại trường, ban đêm các thành viên còn đi học lớp bổ túc ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (DTNT) để lấy được bằng tốt nghiệp PTTH.
Mặc dù được Trường CNKT Quy Nhơn miễn giảm hết các khoản học phí, cấp quần áo đồng phục nhưng cuộc sống của họ khá chật vật. Hàng tháng, cộng tất cả các khoản trợ cấp các bạn có 200.000 đồng để sống và học tập. Bạn Trần Đình Tài, người dân tộc Ba Na (Canh Hiệp, Vân Canh), tâm sự: "Mỗi lần nhận được trợ cấp, việc đầu tiên là nộp tiền ăn 150.000 đồng cho chủ quán cơm. 50 nghìn còn lại để mua các thứ cần thiết và nộp sinh hoạt phí trong lớp. Còn dư thì mới dám ăn sáng". Bởi vậy, vào dịp hè trong khi các bạn khác được đi chơi, nghỉ ngơi thoải mái thì họ phải đi làm thêm để kiếm thêm tiền chuẩn bị vào năm học mới. Có người làm thêm trong xưởng của trường với các thầy nhưng cũng có người về quê hoặc đi làm xa. Lộc kể: "Hè vừa rồi em vào trong TP. Hồ Chí Minh làm thêm 3 tuần kiếm được 400 nghìn", Còn Tài thì về quê phát rừng trồng keo cùng với các bạn mỗi ngày được 22.000 đồng.
* Và 1 ước mơ
Từ ngày còn ở Trung tâm, Lộc đã được các bạn khen là vẽ đẹp và hết bạn này đến bạn khác nhờ vẽ hộ. Lộc mê vẽ từ thuở nhỏ, nhất là vẽ phong cảnh và tĩnh vật. Tranh Lộc vẽ chất đầy ở trong ngăn đựng cá nhân. Bởi vậy, khi tôi hỏi về ước mơ, Lộc chỉ đơn giản: "Nếu lấy được bằng tốt nghiệp của cả hai trường (Trường CNKT Quy Nhơn và Phổ thông DTNT), sẽ thi tiếp Đại học Mỹ thuật Huế". Hiện Lộc đang nhờ bạn hỏi xem các thủ tục miễn giảm học phí của trường này. Trong khi đó, mơ ước của Lĩnh lại rất thực tế: sau khi lấy bằng công nhân 3/7, cậu sẽ được học tiếp thêm ba năm rưỡi nữa để lấy được bằng kỹ sư. Còn Quý lại thích "làm sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải"
Vậy đó, nói về ước mơ trong tương lai thì 11 thành viên của phòng 306 có cả hàng trăm, nhưng mơ ước lớn nhất của họ vẫn là: được tiếp tục đi học, tiếp tục thực hiện những gì mình hằng ấp ủ. Ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm BTXH có lần đã tâm sự: "Khi vào đây các em tuổi đã lớn nên khó lòng học xong bậc PTTH bởi theo quy định chung thì đến năm 18 tuổi các em phải ra ngoài. Vì vậy, chúng tôi phải lo cho các cháu cái nghề để kiếm sống sau này. Nếu có ý chí vượt khó khăn thì các cháu sẽ đạt được những gì mình mơ ước".
. Thu Hà
|