Có những tấm lòng
16:55', 9/1/ 2004 (GMT+7)

Có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng có những ước mơ, khát vọng. Với tôi, nó thật đơn giản là được làm một người bình thường không bị khiếm khuyết một chức năng nào của cơ thể. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất, đôi khi những người bình thường không cảm nhận hết giá trị của nó. Các bạn có biết không? Với những người khuyết tật như tôi, sự vẹn toàn của cơ thể là niềm mơ ước đến cháy lòng. Chúng tôi mong muốn tìm được sự chia sẻ đồng cảm, khao khát được sống và sống có ích cho xã hội.

Tôi nhớ vào một ngày tất cả các bạn tôi được bố mẹ đưa đến trường bắt đầu năm học mới, còn tôi thì được ba mẹ đưa vào bệnh viện vì tôi bị sốt quá cao. Tôi được các bác sĩ bệnh viện Phù Cát chẩn đoán bị bệnh viêm xương, chân tôi ngày một sưng to và mỗi đêm tôi ngất đi không biết bao nhiêu lần vì cơn đau hành hạ... Tôi ra viện về nhà tập đi lại. Chẳng may trượt ngã bị rạn xương, tôi lại vào viện để bó bột, tôi cứ nghĩ không có vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng ngày tháo bột cũng là ngày tôi mất đi tất cả niềm hy vọng ở cái tuổi vừa biết mộng mơ, còn cha mẹ tôi như chết lặng khi nghe bác sĩ cho biết chân của tôi không còn khả năng chữa trị nữa. Vì đoạn xương ống ở chân bị mục đen do di chứng bệnh viêm xương. Nếu chân tôi không cưa bỏ lúc này thì sẽ có khả năng lây nhiễm, nếu để lâu có thể tháo bỏ đến khớp xương mông.

Đau đớn, ba mẹ tôi nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong, và quyết định đưa tôi về nhà để giữ lại cái chân, chứ không đưa tôi đến bệnh viện tuyến trên để cưa chân. Với lòng thương con vô bờ bến mà mẹ tôi có thể làm những việc ngoài khả năng của mình, như ngày ngày chăm sóc vết thương cho tôi và tự tay mẹ gắp từng miếng xương mục ở chân tôi. Mỗi lần như vậy, tôi phải chịu đau đớn ghê lắm, còn mẹ tôi không cầm được nước mắt. Thời gian dần trôi, vết thương ở chân tôi cũng lành lại nhưng không đi đứng bình thường được, tôi trở thành một cô gái tật nguyền sống trong mặc cảm nặng nề. Ngày ngày, tôi phải lê bước chân khó nhọc để đi làm việc, tôi tự an ủi mình hãy chấp nhận những gì mình đang có... Nhưng với cái chân chỉ còn lại một xương phụ không thể chống đỡ nổi cơ thể ngày một lớn, tôi cảm thấy bước chân ngày càng đau đớn và cong dần lại làm tôi đi đứng càng khó khăn hơn.

Đầu năm 2002, tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để làm giám định y khoa thì các bác sĩ ở đây cho biết chân tôi có thể mổ được, tôi vui sướng vô cùng nhưng không dám tin đó là sự thật. Đã 15 năm rồi mà chân tôi vẫn còn chữa trị được sao? Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình tôi lúc này rất khó khăn làm sao có kinh phí để chữa trị? Nhưng với lời động viên của các bác sĩ, tôi quyết định nhập viện, sau đó tôi được ở khám lại để xem có phẫu thuật được không. Tôi nghe tin vừa vui mừng, vừa hồi hộp, lo sợ...

Tại Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, tôi may mắn đã gặp các bác sĩ Văn Ngọc Ý, Nguyễn Đức Viên và nhiều y, bác sĩ khác, ai cũng quan tâm ân cần với tôi. Sau khi khám và kiểm tra rất kỹ lưỡng, bác sĩ chuyên khoa đã khẳng định chân tôi còn có khả năng chữa trị được, tôi mừng vui đến bật khóc... Tôi nhớ mãi tâm trạng hôm phẫu thuật: Niềm vui mừng xen lẫn sự hồi hộp lo lắng... Và tôi đã chia sẻ nỗi niềm này với bác sĩ Nguyễn Đức Viên - người bác sĩ trực tiếp mổ chân tôi: "Tôi biết ca phẫu thuật này là rất khó, vì suốt 15 năm qua nó luôn đau nhức, tôi chịu đựng đến đây là quá sức rồi. Tôi không còn thiết phải chữa trị nó nữa, bác sĩ cứ mổ, nếu không được thì cắt bỏ cho tôi đi chân giả cũng được!". Ông nhìn tôi với cái nhìn cảm thông: "Sao lại bi quan vậy, phía trước em còn cả một bầu trời kia mà"... Ca mổ đầu tiên kéo dài 5 tiếng đồng hồ: cưa bỏ hai đầu xương hư năm xưa, rồi cưa xương phụ bị cong ra làm ba đoạn cho thẳng, gắn khung sắt vào làm giá đỡ giữ cho chân thẳng. Sau đó một tháng, bác sĩ Viên tiếp tục chỉnh uốn để kéo giãn xương cho thẳng dần mỗi ngày. Quá trình này kéo dài hai tháng, có lúc tôi đau đớn tưởng chừng như không vượt qua nổi nhưng chính lòng nhiệt tình và sự động viên của các bác sĩ ở đây đã tiếp thêm nghị lực cho tôi.

Lúc bấy giờ, chân tôi đã được thẳng nhưng chưa thể bước đi, tôi thực sự hoang mang lo lắng vì có nhiều người nói rằng phẫu thuật chủ yếu cho đẹp chứ đi lại chắc là yếu hơn, nhưng sự quan tâm và lòng nhiệt tình của bác sĩ Viên và tập thể y, bác sĩ của bệnh viện lại tiếp thêm cho tôi niềm tin và sức mạnh để vượt qua những cơn đau khi tập vật lý trị liệu. Sau 2 tháng kiên trì luyện tập, tôi có thể bước đi vài bước trong niềm vui phấn khởi của mọi người, nhưng người vui vẻ phấn khởi nhất có lẽ là bác sĩ Viên, thật không uổng công ông ngày đêm lo lắng cho tôi.

Khi sức khỏe của tôi được hồi phục thì các bác sĩ tiến hành cuộc phẫu thuật lần hai. Đây là đợt phẫu thuật vô cùng quan trọng đối với tôi vì nó quyết định sự thành công hay thất bại... Tôi mang nặng sức ép tâm lý vào phòng mổ. Đầu tiên bác sĩ mổ hai vị trí bên chân lành (hông và cẳng chân) để lấy xương cấy, ghép vào chân bị gãy. Như vậy, bác sĩ phải phẫu thuật ba nơi trên chân tôi cùng một lúc. Một lần nữa, tôi lại lo âu hồi hộp vì những cơn đau kéo dài... Một tháng sau, mọi trăn trở lo lắng rồi cũng qua đi khi bác sĩ kiểm tra lại thấy xương chân của tôi đã phát triển trở lại. Thế là, ca mổ chân tôi lần này rất thành công. Sau một năm phẫu thuật, chân tôi không còn đau nhức, tôi đã đi lại bình thường mà không cần nạng nẹp. Điều kỳ diệu là chân ghép xương đã phục hồi trở lại bình thường gần 90%, tôi đã đạp được xe máy cả xe đạp để đi làm như bao người bình thường khác! Tôi không biết nói gì hơn, ngoài lòng biết ơn chân thành đến những tấm lòng nhân đạo cao cả, đã đem lại cho tôi niềm vui, niềm hạnh phúc mà bấy lâu nay tôi hằng mong đợi. Xin gởi lời cảm ơn đến Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, các y, bác sĩ đã hết lòng vì bệnh nhân.

YẾN HÒA

(Bút nhóm Hoa Xương Rồng)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn trên con đường tiến quân vào khoa học công nghệ   (07/01/2004)
Thận trọng với mốt  (06/01/2004)
Nghề tiếp thị: vui ít buồn nhiều   (05/01/2004)
Năng động Đoàn phường Ghềnh Ráng   (04/01/2004)
Vượt khó để trở thành thủ khoa   (02/01/2004)
Xuân và tuổi trẻ   (01/01/2004)
Một "sân chơi" của các cây bút trẻ  (31/12/2003)
Chat - từ thành về thị  (30/12/2003)
Harem - làn gió mát thổi từ Trung Đông  (29/12/2003)
Nhật ký cho em  (28/12/2003)
Câu lạc bộ gia sư - Trăm hoa đua nở   (26/12/2003)
Cuộc gặp với "Sao tháng Giêng" Hải Hà   (25/12/2003)
Chú bộ đội trên giảng đường đại học  (24/12/2003)
Biết trò chuyện cũng làm nên nét duyên  (23/12/2003)
Con đường ngắn nhất đến trái tim là đi qua... dạ dày  (22/12/2003)