Cây roi gia pháp
16:6', 11/1/ 2004 (GMT+7)

Nhà tôi có ba anh em, tôi là con gái út. Thuở nhỏ mấy anh em tôi nghịch lắm nên cứ bị tía đánh đòn hoài. Chúng tôi gọi cây roi của tía là "cây roi gia pháp". Hình như hài lòng với cái tên "sang trọng" ấy nên mỗi khi đứa nào có lỗi là tía kêu "đứa nào lấy cây gia pháp ra cho tía coi!"

Anh Hai học hết lớp chín thì đòi nghỉ. Tía không cho, tía hy vọng ảnh làm gương cho chúng tôi và làm cho tía nở mặt nở mày với hàng xóm là "có con học cao". Không cho nghỉ thì ảnh trốn học. Ngày nào ảnh cũng la cà ở quán bi da, hay đi đá gà với đám bạn. Lúc đầu tía không hay biết gì cả nhưng chừng tuần sau thì anh Hai hết đường trốn chạy. Tía lôi anh Hai từ đâu về không biết mà mình mẩy tía toàn cỏ xước, mặt đỏ bừng như mới uống rượu. Anh Hai líu ríu, không dám hé môi nói một câu. Tía lấy cây roi, nhìn anh Hai, vừa đánh vừa mắng: "Mày muốn nghỉ học để  sau này chăn trâu hả con. Học hành thì nhà này ít lắm nhưng trâu thì gần chục con trong chuồng kìa".

Tưởng tía nói chơi ai dè làm thiệt. Sáng sớm đã lôi anh Hai dậy, bắt dẫn mấy con trâu ra đồng. Tôi nghĩ chắc là anh Hai sẽ phản đối và đòi đi học lại. Nhưng không, nhìn bộ mặt hí ha hí hửng, vừa đi vừa huýt sáo của ảnh lúc đó mới biết ảnh hạnh phúc như thế nào khi được nghỉ học. Tía nhìn theo anh Hai, lắc đầu thở dài.

Còn lại anh Ba và tôi, tía tăng cường giám sát hơn. Mỗi ngày đều đưa rước đến trường. Tía bảo: "Tía cực khổ cũng vì không được học cao, hiểu rộng như người ta. Bây giờ tụi con có điều kiện học thì phải cố gắng, đừng làm tía thất vọng như thằng Hai." Nghe tía (và cũng sợ đi chăn trâu như anh Hai), anh em chúng tôi ra sức học, ngoan hơn trước. Từ đó trở đi, "cây gia pháp" của tía được nghỉ hưu trên kệ tủ.

Anh Ba đi thi Đại học. Tía đưa ảnh vào tận Sài Gòn gửi cho cậu Út em của mẹ. Tía còn đem theo hai con gà, mấy đòn bánh tét biếu cậu mợ. Khổ một nỗi là tía để hai con gà trong giỏ, ló cổ ra ngoài làm chúng kêu inh ỏi suốt chặng đường đi. Sau này đi thi về anh Ba nói nhỏ tôi nghe: "Lúc đó anh ngượng lắm, không có tía bên cạnh chắc anh bẻ cổ hai con gà luôn quá!"

Ngày anh Ba làm lễ tốt nghiệp là ngày tía cười nhiều nhất từ trước đến nay. Tía mặc com lê, mang giày Tây hẳn hoi. Tía bảo mấy ông thợ chụp hình chụp cho anh Ba thật nhiều. Tía đem tấm ảnh anh Ba mặc lễ phục phóng to và treo trên tường nhà, ngày nào cũng đứng ngắm mà không biết chán.

Thời gian trôi qua, ba anh em chúng tôi đã có sự nghiệp ổn định. Anh Hai thì cưới một cô thợ may trong xóm rồi ra riêng. Tía khoán luôn cho ảnh năm công ruộng làm của hồi hôn. Anh Ba làm ở thành phố, cứ đi đi về về, chưa chịu lập gia đình. Tía rầy rà mãi ảnh mới dẫn cô bạn gái về ra mắt, coi như ổn một phần. Còn riêng tôi vẫn là nỗi lo canh cánh của tía. Hồi đó tía kêu tôi học sư phạm nhưng tôi không chịu, thi vào kinh tế. Con gái trong xóm hai mươi là đã có chồng, mà tôi thì đã sang hăm, lại chỉ lo làm ăn, chẳng chịu ai nên tía lo là phải.

Năm mới lại đến, tôi thêm một tuổi nghĩa là nỗi lo của tía tăng lên. Nhìn tía ngày càng già yếu, tôi chợt giật mình khi nghĩ đến một ngày nào đó sẽ không còn tía bên cạnh, cây roi gia pháp sẽ không có cơ hội phát huy tác dụng với đám cháu chắt mà nhói trong lòng. Có lẽ tôi sẽ nghe lời tía, tìm cho mình một mái ấm hạnh phúc để sau này con cháu tôi còn nghe ông ngoại kể rằng "ngày xưa, có cây roi gia pháp...".

NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG

(93/26B XVNT, F.17, Q. Bình Thạnh, TPHCM)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Có những tấm lòng  (09/01/2004)
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn trên con đường tiến quân vào khoa học công nghệ   (07/01/2004)
Thận trọng với mốt  (06/01/2004)
Nghề tiếp thị: vui ít buồn nhiều   (05/01/2004)
Năng động Đoàn phường Ghềnh Ráng   (04/01/2004)
Vượt khó để trở thành thủ khoa   (02/01/2004)
Xuân và tuổi trẻ   (01/01/2004)
Một "sân chơi" của các cây bút trẻ  (31/12/2003)
Chat - từ thành về thị  (30/12/2003)
Harem - làn gió mát thổi từ Trung Đông  (29/12/2003)
Nhật ký cho em  (28/12/2003)
Câu lạc bộ gia sư - Trăm hoa đua nở   (26/12/2003)
Cuộc gặp với "Sao tháng Giêng" Hải Hà   (25/12/2003)
Chú bộ đội trên giảng đường đại học  (24/12/2003)
Biết trò chuyện cũng làm nên nét duyên  (23/12/2003)