1. Năm nào cũng vậy, những ngày cận tết là cửa hàng uốn tóc của cái Linh trước nhà tôi tấp nập. Người ngồi, kẻ đứng chờ đến lượt thiệt là lâu. Cả hai chị em nó làm mà vẫn không hết việc, đành phải "mượn" thêm bà chị vốn trước giờ chỉ làm hàng song mây, chẳng biết tí gì về nghề uốn tóc qua gội đầu, mát xa mặt cho khách hàng. "Nó chỉ sơ sơ thôi, còn trước đây nó làm cho mình mình cũng đã biết được đôi chút", chị Thúy, chị cái Linh, lỏn lẻn cười, nói. Các cô lớn tuổi thì uốn lại cái đầu cho mới, bọn choai choai thì cắt, duỗi tóc, tỉa lông mày, làm móng chân…"Sao không làm cho sớm, để đến giờ phải chầu chực chi cho mệt?" - "Làm sớm đâu còn đẹp nữa, phải cận ngày thì mới đẹp vào dịp tết chớ. Dzậy mà cũng hỏi, cái anh này thiệt là hổng biết gì", họ la tui. Ưa, nghĩ mình cũng kỳ thiệt, đàn ông đàng ang gì mà lại đi hỏi mấy chuyện gì đâu không. Nhưng mà thấy chị em con Linh cắm cúi làm đến tận mười, mười một giờ đêm giao thừa, rồi sáng sớm mùng Một đã có người gõ cửa sớm để trang điểm, sấy lại cái tóc để đặng cho họ kịp đi chơi, tui lại thương cho chị em nó. Coi như ba ngày tết chẳng được nghỉ ngơi. Nhưng coi kìa, chị em nó đâu có buồn, lại hớn hở nữa chớ. "Tiền lúc nào cũng có, lấy giá cao hơn ngày thường mà khách vẫn hài lòng. Ngày thường đâu có dễ dzậy. Mình nghỉ tết sau cũng được chớ có thiệt gì đâu anh, ra giêng ngày rộng tháng dài mà", chị em nó nói với tôi vậy. Rồi chưa kịp đợi tui nói gì, chị em nó lại quay với đám khách đang chờ: "Đến lượt ai đây? Thông cảm chờ lâu chút nha. Tết nhứt mà".
2. Mấy ngày nay, cái lưng ông Năm mỏi nhừ, cái chân của ông cũng bả ra. "Mình già thiệt rồi, đạp có mấy cuốc xe mà không nổi. Chứ cái thời trai trẻ thì mấy vụ này sức mấy", vừa lau cái "tắc xi ba bánh" ông vừa nghĩ ngợi. "Xuống Chợ Lớn, 5 nghìn được không?" - một bà to lớn xách giỏ không tới hỏi. Ông Năm chợt ra khỏi luồng suy nghĩ, đáp luôn: "Cho thêm hai nghìn "- "Gì mà mắc dzậy cha nội?", bà kia trả treo. "Thì bà tính, từ đây xuống chợ còn xa, đường xá đông đúc. Gởi xe máy cũng lên giá hai nghìn, huống chi tui", ông Năm không kém. "Ừ, nhưng nhanh lên đó, công chuyện còn lu bu" - "Ô kê, khỏi lo", nói rồi ông Năm tăng tốc. Cái mệt mỏi lúc nãy biến đâu mất. Nhìn ông chạy đâu có kém bọn thanh niên… Chà, gì thì gì chứ chiều ba mươi cũng phải nghỉ, lo cúng ông bà. Rồi lau lại cái xe cho nó mới, đặng sáng mồng Một chở lũ rồng rồng đi chơi nữa chớ. Mình hứa với bọn nó rồi mà. Vừa chạy xe ông vừa nghĩ lung tung. Cái lưng lại tưng tức đau, kiểu này phải nói bà nó mua mấy thang thuốc bổ ngâm rượu Bàu Đá uống mới xong chuyện đây. "Xích lô", có ai phía bên kia đường kêu. Thắng xe cái kít, quay lại 180 độ một cách điệu nghệ chẳng khác nào một tay đua thực thụ, ông lại chạy thêm cuốc mới. Cái lưng đau đâu mất tiêu. "Ráng thêm vài cuốc nữa, tối bảo con cháu Tí bóp lưng cho ông ngoại là đỡ liền mà. Ba bữa tết ít ai trả treo, phải tranh thủ kiếm thêm. Để bà nó lo cái tết cho tươm tất. Con cháu thì đầy nhà", ông Năm tự nhủ. Guồng xe đạp nhẹ bỗng. "Tránh ra, nước sôi nước sôi" - vừa la, ông vừa lách đi giữa dòng người xuôi ngược đông đúc. "Coi bộ ông già còn sung dữ ha", một cậu thanh niên cũng đạp xích lô làu bàu khi thấy ông Năm qua mặt ngon ơ.- "Chớ sao hông, mậy", ông quay lại cười, nhe hàm răng đã rụng mất mấy cái.
3. "Đó, coi kìa. Vợ con người ta tết năm nào cũng được chồng chở đi chơi, thăm ông bà. Còn ông chỉ đem việc về nhà hành vợ con" - tiếng chị Tư la bái sái khi thấy anh Tư lại vác cái máy ảnh ra săm soi, lau chùi. Nói vậy thì nói chớ chị Tư cũng biết, tết mới là mùa làm ăn của chồng mình, chụp hình đến mỏi cả tay mà khách không hết. Chớ ngày thường chụp lai rai vài cái đám cưới, mời du khách qua lại ở dưới biển cũng không bao lăm. Cả nhà trông vào cái quầy tạp hóa của chị. Tết, mới là mùa của ảnh.
Tết nhứt gì mà chồng đi biền biệt cả ngày, khách khứa tới chỉ mình vợ tiếp. Trưa, mới ghé về nhà ăn cơm rồi ném cho vợ xấp ảnh. "Kít nhựa cho anh nghe. Chiều nhớ bảo con Lớn chạy ra chỗ Lab lấy cho ba xấp hình mới rửa. Quên, khách đến không có là mệt à nghe", anh Tư ra đến cổng, dặn với vợ. Nhìn dáng tất tả của chồng, chị Tư thấy mà thương. "Lớn ơi, Lớn à, chạy ra chỗ Lab lấy hình cho ba đi con". - "Lại nữa, cho con đi chơi chút xíu", con bé phụng phịu. - "Ngoan, tối ba về, bắt ba lì xì. Rồi ra tết mẹ mua cho cái xe đạp đi học" - chị dỗ ngọt. "Thiệt nha má", rồi con bé nhảy chân sáo đi ngay. Còn chị Tư quay lại kít nhựa nốt chỗ hình còn lại. Vừa làm chị vừa nhẩm tính: "Hết tết, tiền ảnh kiếm được kha khá cộng thêm vào chỗ để giành riêng của mình, gắng mượn thêm của người quen mở cho ảnh cái salon, nhỏ cũng được. Chắc ảnh vui lắm, nhưng mình phải bí mật đến lúc đó".
***
Người ta bảo mỗi năm mới có một lần, Tết là nghỉ ngơi cho thoải mái đặng lấy sức để sang năm làm tiếp. Nhưng những người như cái Linh, ông Năm hay anh Tư họ đành ăn Tết muộn vậy. Với họ "Mỗi năm mới có một lần, tranh thủ mà kiếm thêm vài đồng rủng rẻng". "Còn nghỉ ngơi ư? - Ra giêng ngày rộng tháng dài, chỉ sợ không có sức mà chơi ấy chứ" - ông Năm cười khà khà thoải mái. Ngoài kia, sắc mai xuân của cây mai già đã vàng ruộm một góc vườn.
THU HÀ |