Chắc rằng không ít bạn sẽ kêu to lên rằng: Hỏi gì lạ vậy! Từ năm lớp 10 tới giờ tui đóng đô ở thư viện tỉnh suốt, sao lại không biết cách học ở thư viện được? Và bạn kể ra: sách nào phòng mượn có thì mượn về nhà đọc. Còn sách nào chỉ phòng đọc tổng hợp mới có, chủ yếu là sách tham khảo, sách bài tập nâng cao, sách hệ thống lý thuyết và bài tập các môn học thì lên đó mượn ngồi coi, để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Có lúc mượn sách ngồi coi, có lúc ngồi giải bài tập trong sách. Hoặc cũng có bữa không mượn sách thì ngồi coi bài, học bài, vì ở đây có không khí học tập nên học "mau vô" lắm…
Còn một sinh viên thì cho biết: mình đi thư viện chủ yếu để mượn giáo trình, sách tham khảo để tìm hiểu thêm những điều mà thầy cô chưa hoặc chỉ giảng lướt qua hoặc gợi ý SV tìm sách đọc. Một SV khác bật mí: tôi để ý một cô bạn cùng lớp, mà nàng thì rất hay đi thư viện nên tôi cũng giả vờ cắp vở lên thư viện, chủ yếu là để ngắm nàng cho đỡ nhớ. Bạn trẻ khác thổ lộ: tôi và bạn gái hẹn nhau ở thư viện nên bạn bè chẳng ai biết chúng tôi với nhau. Ở đó chúng tôi vẫn mượn sách và đọc, ghi chép nữa. Nhưng thật sự thì học chẳng được bao nhiêu vì tâm hồn đang treo ngược cành cây. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng những mẩu giấy.
Thư viện là nơi để tra cứu các tài liệu cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu, tiếp cận thông tin qua sách báo. Và như thế, thư viện nhất thiết không phải là nơi để học bài, giải bài tập hay hẹn hò. Vô tình, bạn đã "làm khó" cho những người thực sự có nhu cầu đến thư viện khi chiếm mất chỗ của họ. Bạn có biết điều này không?
NGUYỄN BÍCH
|