Ký ức sống:
Khuya vắng… tích te…
16:39', 16/1/ 2004 (GMT+7)

Cũng chẳng còn nhớ cái tiếng tích te… tích te của người bán bánh mì nóng đã có ở thành phố này bao lâu rồi. Có lẽ mới đây thôi, vì trước mấy năm không thấy âm thanh này dành cho việc bán bánh mì nóng. Tôi là người lớn nhưng lại biết công dụng của tiếng kèn này sau đứa con anh bạn trong khu tập thể. Số là trong mấy ngày đầu khi nghe âm thanh này thường xuyên xuất hiện ở con phố tôi ở, tôi có ngạc nhiên và định hỏi thăm là gì nhưng rồi thấy không quan trọng nên lần lữa. Một hôm, tiếng kèn lại vẳng tới, tôi chợt nghe tiếng cô bé: "Ba ơi, bánh mì, bánh mì nóng!…". À, thì ra vậy! Kể ra cũng thú vị, chả biết ai nghĩ ra chuyện dùng chiếc kèn hơi để thay cho việc rao bán bánh mì nóng…

Thường xuyên bán bánh mì nóng bằng kèn hơi qua khu phố tôi ở chỉ có hai người, một đàn ông chừng trên dưới ba mươi, một đàn bà trên dưới bốn mươi. Tiếng kèn qua lại văng vẳng đôi ba lần trong ngày nhưng ấn tượng nhất vẫn là lúc đêm khuya, giữa phố đã yên ắng, âm thanh nghe cứ như một chút hớn hở pha nét trầm buồn. Có đêm thức khuya đọc sách, làm miếng bánh mì nóng giòn không kèm thứ gì, thấy thêm ấm chút hương đời. Với việc mua bánh mì nóng, tôi có thêm thói quen để dành những đồng bạc lẻ cỡ một, hai trăm đồng (giấy bạc mệnh giá nhỏ nhất ở nước ta lúc này). Chú ý nhiều đến loại tiền cỡ này phải kể đến lúc còn nhỏ đến khi làm sinh viên xa nhà, chứ lúc ra trường đi làm, dù chưa thoải mái gì nhưng đó chỉ là… tiền lẻ. Bởi cái bánh mì sáu trăm đồng, mua một đến bốn cái thì đằng nào cũng phải dùng tiền lẻ, may ra mua năm cái thì đưa chẵn ba nghìn. Khi tôi mua bằng tiền lẻ, họ mừng ra mặt, bởi họ cần "tích trữ" loại tiền này để thường xuyên thối lại cho khách mua. Mà họ thối tiền không thiếu một xu, có hôm mua bánh, chỉ còn thừa hai trăm đồng, tôi quay vào nhà thì được gọi lại để lấy tiền thối (chả bù cho các cô bưu điện, nếu phải thối tiền cho khách thì cứ làm tem, bì thư, đôi khi cả tờ báo… cũ). Đúng là bây giờ những người bán bánh mì nóng là "trùm" sưu tập tiền lẻ, một mớ tiền chỉ lẻ là lẻ, cuối buổi bán cũng chỉ vài chục nghìn là cùng…

Một chiếc xe đạp, một giỏ đựng giữ nóng và một chiếc kèn hơi; đồ nghề người bán bánh mì nóng chỉ vậy. Lẩn thẩn trong đêm, tôi chợt so sánh kiểu bán hàng này có vẻ… lịch lãm hơn mấy anh bán bánh mì nóng bằng loa pin "bánh mì Sài Gòn…" cũng vừa mới xuất hiện gần đây. Cái âm thanh kèn hơi làm tín hiệu quy ước này nghe nó dễ thương hơn nhiều! Thật là cao kiến! Ờ, sao những người bán keo dính chuột, cân sức khỏe điện tử,… không nghĩ ra một âm thanh nào đó cho nghề của họ nhỉ? Mà điều này chắc không phải dễ, cả một vấn đề… bản quyền lo-go thương hiệu chứ chẳng chơi…

Chẳng đến nỗi nhảy cẫng lên như cô bé con anh bạn khi nghe tiếng kèn bánh mì nhưng tôi cũng cảm thấy khấp khởi khi nghe cái âm thanh quen thuộc này, nhất là nó làm ấm lòng con phố về khuya. Vậy mà có đêm ngồi thủ sẵn mấy tờ bạc lẻ, đợi mãi, đợi mãi nhưng sao chẳng thấy… tích te… tích te…

ĐÀO ĐỨC TUẤN

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đi thư viện để làm gì?   (15/01/2004)
Tết muộn  (14/01/2004)
Hồi đó ...   (13/01/2004)
Nhiều bài viết cảm động về gương vượt khó học giỏi  (12/01/2004)
Cây roi gia pháp  (11/01/2004)
Có những tấm lòng  (09/01/2004)
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn trên con đường tiến quân vào khoa học công nghệ   (07/01/2004)
Thận trọng với mốt  (06/01/2004)
Nghề tiếp thị: vui ít buồn nhiều   (05/01/2004)
Năng động Đoàn phường Ghềnh Ráng   (04/01/2004)
Vượt khó để trở thành thủ khoa   (02/01/2004)
Xuân và tuổi trẻ   (01/01/2004)
Một "sân chơi" của các cây bút trẻ  (31/12/2003)
Chat - từ thành về thị  (30/12/2003)
Harem - làn gió mát thổi từ Trung Đông  (29/12/2003)