Nhà có năm anh chị em, khi nhỏ cái gì cũng cùng ăn, cùng chia, cùng chơi. Đứa nào bị trẻ lạ ăn hiếp thì lập tức được anh Hai, anh Ba bênh vực. Nhà nghèo nhưng ba mẹ thường răn dạy: "Nghèo tiền, nghèo bạc nhưng đừng nghèo nhân nghĩa, tình cảm".
1. Lớn lên, đầu tiên là anh Hai cưới vợ, ra riêng, rồi đến anh Ba đi học, lập nghiệp ở trong Sài Gòn, đến chị Tư, anh Năm… Căn nhà nhỏ của ba mẹ giờ chỉ còn lại hai người già và đứa con út ít. Các anh chị mỗi người mỗi phận, tự lập cánh sinh, lo toan cho gia đình riêng của mình. Lâu lâu về nhà một chút thăm hỏi ba mẹ hoặc biếu ba mẹ ít tiền rồi tất tả đi ngay. Vòng đời mà, ai cũng vậy thôi. Nhà giờ chỉ có Tết mới đông đủ mọi người. Anh Ba ở xa nhưng năm nào cũng cố gắng đưa vợ con về ăn Tết, không đi được thì bảo các cháu về. Cả nhà lại quây quần bên nhau, nhắc lại chuyện hồi xưa. Ba mẹ già ngồi nhìn nhau cười, chỉ có bọn trẻ con là cãi: "Làm gì có chuyện đi mua thịt, gạo mà phải xếp hàng từ khuya". Hoặc: "Bác Hai hiền khô mà lại là đại ca trong xóm"… Chẳng được mấy ngày, căn nhà lại trống như cũ.
|
Ăn cỗ ở miền quê |
2. Ba ngã bệnh nặng, bị ung thư gan giai đoạn cuối. Mẹ đau đớn nhưng câm lặng, vợ chồng ở với nhau chỉ thiếu vài tháng nữa là tròn 50 năm. Trước đó, anh chị em đã bàn nhau chuẩn bị lễ cưới Vàng cho ba mẹ thật chu đáo. Giờ đây, tất cả đều sụp đổ. Anh chị em xác định: phải lo cho ba tới cùng, để ba sống vui vẻ, thanh thản. Như ngày nhỏ, anh Hai là người chỉ huy đàn em: "Chú thím Ba ở xa không về thường xuyên được, kinh tế lại khá giả nên cùng tôi lo chuyện thuốc men, bồi dưỡng cho ba, em Tư buôn bán chăm sóc ba ban đêm, chú Năm đi dạy chiều thì lo cho ba buổi sáng, chú Út thì lo việc nhà, an ủi mẹ…". Cứ như thế, mọi việc được phân công rõ ràng, khoa học để cùng lo; không dồn việc cho người nào, con dâu con rể cũng theo nếp đó mà làm. Những tháng ngày đó, anh chị em như gần nhau thêm, hiểu nhau hơn, gánh vai cùng chung trách nhiệm với ba mẹ già. Không một lời kêu ca, trách móc. Ba ra đi trong thanh thản.
3. Hôm nay là giỗ đầu của ba, vào dịp cận Tết. Anh em, con cháu tề tựu đông đủ trong căn nhà chật hẹp của ba mẹ. Năm nay, Tết đầu tiên không có ba. Mẹ khấn vái: "Ông có linh thiêng về phù hộ cho các con, các cháu…". Anh em chẳng ai cầm được nước mắt. Mẹ bảo: "Rồi mẹ cũng sẽ đi theo ba nhưng mẹ mừng là các con hiếu thảo, đùm bọc nhau trên cõi đời này. Nay mai dù mẹ không còn thì phải giữ lấy nếp nhà, làm gương để răn dạy con cháu, anh em phải biết đùm bọc nhau". Qua hoạn nạn, mới thật thấm thía những câu "ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân", "anh em thủ túc tình thâm" mà ba mẹ xưa kia vẫn thường răn dạy. Thật chẳng có gì sánh được với tình anh em ruột thịt. Nhìn anh Hai, anh Ba, chị Tư, anh Năm… kỷ niệm thời thơ dại lại tràn về, trong đầu còn vang vang tiếng của anh Hai dỗ dành đứa em út đang khóc nhè: "Nín đi em, có anh chị đây em đừng sợ".
. Hạo Nhiên
|