Quê hương
15:42', 2/12/ 2004 (GMT+7)

Mỗi người đều có những ký ức vui buồn về quê hương của mình. Tôi chẳng biết tự bao giờ tôi đã thấy quê hương của mình thấm đẫm trong tâm trí. Xa quê đã lâu nhưng lòng tôi luôn rạo rực mỗi khi về thăm quê. Đôi khi, vào những chiều buồn hiu quạnh, tôi lại thấy mình nhớ nhung, bâng khuâng khó tả.

1. Một khi ai đó hỏi tôi rằng: Quê bạn có gì đẹp không mà nhớ nhung tha thiết? Quanh năm hai mùa mưa nắng, mưa rả rích suốt tận mùa, nắng cháy da như hấp người vào lò sấy của thiên nhiên, những bãi ruộng nứt nẻ đau lòng người cày cấy, lại còn bảng hợp xướng của muỗi, ruồi cất vang mỗi mùa mưa nắng… Khô cằn là thế, khắc nghiệt là thế nhưng quê hương là nơi nhen nhóm những ước mơ trong tôi. Tôi yêu mảnh đất này không chỉ vì nơi ấy có bóng dáng mái ấm gia đình của tôi thuở nào.

2. Vẫn còn nỗi nhớ năm tháng ấu thơ, tôi thường hay ngồi dưới bóng mát của cây dừa cao trong vườn và đưa mắt nhìn xung quanh. Tôi say sưa với những cảnh do trí óc non nớt của mình tạo ra. Một ngôi nhà xinh đẹp như trong truyện cổ tích bồng bềnh trên mặt sóng biển. Hàng trăm vạn cây san hô rung rinh theo nhịp sóng vỗ, tô điểm cho ngôi nhà thêm phần rạng rỡ, lung linh… Bạn đã bao giờ lặn dưới dòng nước biển trong xanh để bắt con ốc nhảy, con sìa, tận tay sờ vào cây san hô, tận tai nghe tiếng reo của rừng phi lao hoặc nghe tiếng sóng biển qua vỏ ốc chưa? Thỉnh thoảng sau này, tôi vẫn còn nghe đâu đây quanh mình mùi thuốc nhuộm lưới, mùi rong biển mà một thuở tôi yêu thích. Cha tôi thường bảo tôi "dở hơi" khi thích cái mùi nồng nặc, đen ngòm như mực, lại có vẻ tanh rờn của thuốc nhuộm lưới ấy. Thế mà, tôi vẫn trốn theo những "chiến hữu" để được chơi, được ngắm và được thưởng thức tất cả những đặc trưng của xóm chài Phú Hậu ngày nào.

Cha tôi không thuộc về xóm chài này, ông và mẹ tôi có những công việc chỉ gắn liền với chiếc bàn giấy trong bốn bức tường mà không phải là giữa lòng biển mênh mông, trên những chiếc ghe đi đánh bắt như bao người trong xóm chài. Họ không muốn tôi chứng kiến những cảnh đời loay hoay trong vòng lẩn quẩn: gia đình nghèo, con cái không được học hành, sớm lập gia đình và cho ra một bầy con nheo nhóc rồi trở lại cái kiếp nghèo. Tôi may mắn hơn vì vượt ra được cái ranh giới đói nghèo ấy. Cha tôi đã đánh đổi với cuộc đời để đưa cả nhà tôi về thành phố. Và quả thật, ông đã hy sinh rất nhiều để chị em tôi có thể học hành. Còn mẹ tôi chỉ có một ước mơ duy nhất: "Mẹ không ân hận vì đã yêu và lấy một người như cha các con nhưng mẹ buồn vì không giữ được cha ở lại xóm chài. Vì thế mẹ không muốn các con quên cái thuở ngày xưa ấy, quên xóm chài nhỏ bé nơi đã sinh ra và nuôi mẹ thành người". Tất cả các anh chị tôi không làm được điều ước đó của mẹ, họ cũng như cha, bỏ quê lên phố. Chỉ còn mẹ và tôi là hay trở lại xóm chài năm nào.

3. Khi đã thật sự bắt nhịp được với cuộc sống đô thành, tôi vẫn cảm thấy nhớ và yêu quê hương da diết. Rồi sau đó trở về với cuộc mưu sinh gấp gáp, bận bịu và những thói quen của cuộc sống nhộn nhịp, có lúc tôi cảm thấy mình chơi vơi, lạc lõng và đuối sức. Tôi sợ mình không thể bơi kịp mọi người trong biển đời vô tận. Xóm chài với những ký ức buồn, vui lại hiện về tiếp thêm sức mạnh cho tôi tiến bước. Và tôi biết trong biển người vô tận trên phố kia cũng có nhiều người chạnh lòng như tôi mỗi khi ai đó hỏi: "Quê bạn ở đâu?".

. Hải Yến

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những "tù nhân" của games   (29/11/2004)
Cô giáo tôi  (28/11/2004)
Chỉ vì một câu nói đùa  (26/11/2004)
Phong trào thanh niên lập nghiệp ở Hoài Nhơn: Cửa đã mở   (25/11/2004)
Tân Lập: Chi đoàn điển hình về công tác thanh niên   (22/11/2004)
Chuyện về một giảng viên trẻ   (22/11/2004)
Khi thủ lĩnh thanh niên làm kinh tế   (18/11/2004)
"Cà phê áo trắng": Một thực trạng đáng lo ngại  (18/11/2004)
Áo cho mùa lạnh   (16/11/2004)
Nhớ Nha Trang   (15/11/2004)
Chuyện về một mối tình tan vỡ   (12/11/2004)
Chết trẻ  (11/11/2004)
Những vườn cây tình nghĩa của tuổi trẻ Hoài Ân  (11/11/2004)
Nơi chia sẻ những tâm tình không dễ nói  (10/11/2004)
Ở một câu lạc bộ tin học trẻ không chuyên   (08/11/2004)