"Chào bạn!", "Bạn là nam hay nữ?", "Quê ở đâu?", "Chúng ta có thể chat với nhau được chứ?"... "Đồng ý". Đó là phần mào đầu cuộc tán gẫu trên Internet (chat) không hẹn trước của các "thợ chat" (chater) là... sĩ tử.
* Tan học, chat thôi!
|
Sĩ tử và học sinh đang chat tại một điểm Internet |
Buổi tối, tại các điểm Internet trên địa bàn TP Quy Nhơn, gần khu trọ học ôn thi đại học của học sinh trở nên náo nhiệt hẳn. Người ngồi, kẻ đứng chăm chú dán mắt vào màn hình tìm kiếm những cái nickname (tên gọi) quen thuộc để bắt đầu cuộc chat. Nhiều người tỏ ra "sành điệu" hơn bằng cách tạo cho mình những cái nickname thật khiêu khích để lôi kéo đối phương. Bạn Nguyễn Thành T. - quê ở Đắk Lắk, đang ôn thi đại học khối A tại Trung tâm luyện thi Trần Bình Trọng - thổ lộ: "Tôi chat, không kể ngày hay đêm. Để lôi kéo được bạn chat, tôi phải tạo những nickname thật ấn tượng, tôi có thể nói chuyện cùng lúc với 5 người. Chúng tôi trao đổi với nhau nhiều vấn đề và cho tới khi nào cảm thấy chán thì tôi bắt đầu đi tìm bạn chat khác. Cứ thế, tôi ngồi suốt tại điểm Internet trung bình khoảng 5 tiếng/ngày".
Mặc dù sau khi kết thúc những buổi nói chuyện, làm quen trên mạng, nhiều người trong số họ nhận ra đây là loại hình giải trí khá tốn kém và vô bổ, nhưng họ vẫn chấp nhận thứ "ma lực" có sức hút kỳ lạ này. Bạn Trần Kim K.- quê ở Gia Lai, ôn thi khối A - cho biết: "Ban đầu tôi chỉ đi theo các bạn chơi cho biết, lâu dần tôi thấy chat cũng thú vị và tôi trở nên "nghiện" lúc nào không biết. Giờ đây, tôi đã lập lịch chat cho mình sau giờ học".
Chủ cửa hàng Internet Hà Giang trên đường Lê Thánh Tôn (TP Quy Nhơn) cho biết: "Phần lớn các sĩ tử lên mạng không phải để tìm kiếm thông tin về thi cử, học hành mà để tìm bạn tán gẫu. Vì không biết người nói chuyện với mình là ai, nên họ giao tiếp với nhau rất... tự nhiên và lâu dần họ cảm thấy không thể thiếu chat được". Tại các điểm Internet, cũng xuất hiện nhiều học sinh cổ đeo khăn quàng, áo mang phù hiệu say sưa "khẩu chiến" với nhiều bạn chat trên màn hình.
* Hệ quả của chat
Với lý do đi chat để giải khuây, cho đỡ buồn khi xa nhà, nhưng nhiều người đã trở nên "mê muội" và chuốc lấy những "rủi ro" không đáng có. Lê Nam K. - quê ở Tuy Hòa (Phú Yên) đang ôn thi đại học khối D - là một trong số đó. K. cho biết: "Tôi mong muốn tìm một bạn nữ tâm sự, sau một hồi nói chuyện trên mạng, bạn nữ ấy đồng ý gặp nhau tại Tượng đài Chiến thắng ở Công viên biển. Tôi vội vã đạp xe tới nơi, tôi cứ đạp vòng vòng tìm mãi nhưng không gặp. Sau mới biết mình bị lừa, tôi vừa tức, vừa thấy xấu hổ"... Còn đối với D.C.- quê ở Đắk Lắk, ôn thi khối A - thì khác: "Mỗi tháng tôi chỉ có khoảng 100.000đồng để tiêu vặt, nhưng tôi đã chi khá nhiều cho việc chat. Nhiều lúc tôi còn cắt bớt tiền ăn để chat và phải ăn mì tôm trừ cơm nhiều ngày liền".
Được biết, nhiều người trong số họ mải mê chat đến quên cả giờ lên lớp. Có người, thay vì học ôn 3 môn thì lại cắt bỏ bớt 1 hoặc 2 môn để lấy tiền chat, sau mượn vở, tài liệu của người khác để... học lại.
Giải trí là một phần tất yếu trong cuộc sống, nhưng giải trí như thế nào cho lành mạnh, phù hợp với hoàn cảnh bản thân là điều mà mỗi bạn trẻ cần phải suy nghĩ. Chat cũng là một cách giải trí. Nhưng với kiểu chat "hành khúc ngày và đêm" như một số trường hợp kể trên của các sĩ tử thì e rằng "cơm cha, áo mẹ, công thầy" sẽ trở thành công cốc. Thậm chí có thể còn dẫn đến các hậu quả tai hại khôn lường khác.
. Quốc Việt
|