Đã ngoài hai mươi tuổi Hân vẫn không chịu lấy chồng dù mẹ cô đã làm mai hết đám này đến đám khác, thậm chí đòi từ cả con gái, vậy mà Hân vẫn… trơ trơ. Hân vui vẻ, yêu đời nhưng nhắc đến chuyện chồng con thì không bao giờ. "Lấy nhau làm gì, để rồi suốt ngày lục đục, la hét như ba mẹ tao chắc"- Hân tâm sự với bạn bè cô như vậy. Hai bà chị của cô cho đến giờ vẫn chưa ai chịu "chống lầy" cả.
Gia đình của Hân không hạnh phúc. Ngay từ khi còn nhỏ cô bé đã nhiều lần chứng kiến cảnh bố mẹ chửi bới, đánh đập nhau. Sau những lần "cơm không lành, canh không ngọt" bà Tâm, mẹ Hân, vẫn chưa hả giận, kể những thói xấu của ông chồng cho các cô con gái nghe. Bà dặn các con: "Hãy nhớ lời mẹ, chẳng người đàn ông nào tốt đẹp cả đâu. Lấy chồng mà giống như mẹ đây thà ở vậy còn hơn"… Những lời nói của mẹ, cộng với những cảnh ba mẹ thường xuyên lục đục đã gieo vào đầu óc con trẻ của Hân về hình ảnh hôn nhân không hạnh phúc, trở thành một vết gợn khó mờ trong suy nghĩ của cô bé Hân.
Lớn lên, Hân đem theo mối nghi ngờ ấy trong lòng. Với Hân, chỉ cần chàng trai nào phạm một lỗi lầm nho nhỏ, dù chẳng tai hại gì là cô lập tức suy diễn: "Biết mà, chẳng ra sao cả đâu. Đó là chưa lấy nhau đấy"... và sau cùng cũng là câu "thà ở vậy còn hơn". Tất cả chỉ tại vết gợn khó mờ đó. Mỗi lần tôi đến chơi, bà Tâm lại than thở về ba cô con gái chưa chồng. Bà bảo: "Cháu là bạn thân của nó, khuyên nó giúp bác. Hai con chị của nó, chẳng trông mong gì nữa rồi". Tôi biết nguyên do, thế nhưng giải thích sao với mẹ của bạn bây giờ.
Không hạnh phúc trong hôn nhân, rồi đi kể xấu người bạn đời trước mặt con cái là điều tối kỵ đối với các bậc làm cha làm mẹ. Điều đó không những làm cho con cái mất đi niềm kính trọng với cha mẹ mà còn gieo trong lòng con trẻ những hoài nghi về cuộc sống lứa đôi không hạnh phúc.
. Ngọc Khuê |