Sinh viên - buồn vui thực tập
17:42', 23/2/ 2004 (GMT+7)

Đến hẹn lại lên, sau tết Nguyên đán các sinh viên sư phạm năm cuối lại chuẩn bị "hành trang" bước vào mùa thực tập - "cửa ải" phải qua trước khi tốt nghiệp.

* 1001 chuyện đi dạy

Chúng tôi gặp ba bạn Nguyễn Văn Thảo, Cao Thị Tài Nguyên và Nguyễn Thị Minh Huệ (sinh viên khoa Ngoại ngữ) ngay trong sân trường của trường PTTH Quốc học Quy Nhơn. Trước mặt Thảo là quyển sách English 10, cậu đang xem lại bài giảng. "Tiết sau là tiết lên lớp của em. Chẳng biết có thành công không", Thảo lo lắng. Đây là lần lên lớp thứ hai của cậu. Lần lên lớp đầu tiên cậu xém bị "ướt" giáo án. Cháy giáo án (dạy quá giờ) và ướt giáo (còn dư thời gian) là nỗi lo thường thường trực của các sinh viên khi đi thực tập. Sinh viên thực tập, lần đầu làm giáo viên, lúc cao hứng dạy quên cả thời gian, lúc dừng lại thì ôi thôi trống đã đánh mà bài vẫn chưa kết thúc. Còn ướt giáo án, thầy dạy đã xong rồi mà trống vẫn chưa vang. "Em bí nhất là phần Homework (Phần làm bài tập nhà), rất dễ bị ướt. Nhưng lần này, nếu ướt nữa thì em sẽ... hát một bài hát", Thảo rút kinh nghiệm.

Còn với Hoàng Kim Khoa, sinh viên khoa Sử đang thực tập tại tại Trường Trần Cao Vân (Quy Nhơn), tiết lên lớp có thầy Hiệu trưởng dự giờ là khó quên nhất. Lần ấy, vì "khớp" quá mà 10 phút đầu Khoa chỉ nói lắp bắp, diễn đạt không trôi chảy. "Cô giáo hướng dẫn bảo không đạt lắm. Cũng may những tiết sau thì tình trạng đó không tái diễn nữa", Khoa tâm sự. Nhiều bạn tâm lý không vững, khi lên giảng chỉ dám nhìn bảng không dám nhìn xuống lớp, thậm chí sắp phát khóc lên được.

Cần phải chuẩn bị giáo án kỹ càng, đặt ra nhiều trường hợp để xử lý sẽ khiến mình tự tin hơn, không bị khớp khi có thầy cô dự giờ - là ý kiến chung của các bạn sinh viên. Ngoài ra, đi dạy thêm nhiều sẽ có kinh nghiệm đứng lớp hơn. Với Nguyễn Thị Thanh Uyên khoa Ngoại Ngữ thì đúng là như vậy. Đi dạy thêm từ năm một đến nay nên Uyên không cảm thấy ngỡ ngàng khi đứng trước học trò mà trái lại, cô còn cảm thấy thoải mái, tự tin.

Để bài giảng được sinh động hơn, hầu hết các bạn đều phải sử dụng nhiều giờ cụ trực quan như hình vẽ, tranh, ảnh. Thông thường các giáo sinh thực tập mượn giáo cụ ở các trường, nhưng nếu muốn hay hơn nữa thì cũng cần phải "gia cố" thêm như vẽ tranh, pho to hình ảnh hoặc lên Internet tải những thông tin, hình ảnh có trên mạng. Bạn Huỳnh Thị Thanh Trà, sinh viên khoa Sinh cho biết: "Môn sinh bọn em vốn khô nên cần phải sử dụng nhiều hình ảnh sinh động, có vậy mới thu hút được các em học sinh"

* Nhất quỷ nhì ma, thứ ba...

Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò - "kết luận" ấy chẳng bao giờ sai. Chẳng thế mà các giáo sinh khi nhận lớp thực tập đều phải "tranh thủ" cảm tình của học trò bởi tiết dạy có thành công hay không một phần nhờ vào học trò. Bạn Võ Đại Phong đang thực tập tại Trường THPT Trần Cao Vân (Quy Nhơn) nửa đùa nửa thật: "Phải lạt mềm buộc chặt thì mới được. Còn với Uyên, cô lại quan niệm: "Có quan tâm đến trò thì trò mới mến mình, mới ủng hộ mình". Ấy vậy mà, chuyện học sinh chọc thầy cô giáo là chuyện chẳng thể tránh khỏi. Tất nhiên, đó chỉ là những trò đùa nghịch ngợm, dễ thương của các em học sinh đối với giáo viên thực tập nhưng cũng làm cho nhiều giáo sinh bực đến phát khóc. Những lúc đó tốt nhất là phải "lơ" đi, thậm chí phải biết khôi hài lại thì mới "trụ" được - Ngần, một cựu sinh viên kể lại kinh nghiệm. Ngần có một bộ răng không lấy gì làm đẹp lắm nên khi học sinh chọc, cô đã đáp lại rất thản nhiên: "Ừ, răng cô vậy nên ăn đu đủ không cần muổng". Vậy là cô trò cùng phá ra cười và từ đó chẳng em học sinh nào để ý đến đội hình răng "chín sáu, hai không" của cô giáo nữa.

Ngoài ra, các kinh nghiệm về hoạt động ngoại khóa, tổ chức hoạt động đoàn thể, vui chơi trong lớp học cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để thầy cô giáo mới tiếp cận học sinh dễ dàng hơn. "Trước kia, mình ít để ý đến các hoạt động ngoại khóa nên bây giờ thấy lúng túng trong khâu tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em", một sinh viên khoa Toán tâm sự.

Hiện nay, khi ngày 8-3 đang đến gần, các giáo sinh đang lên kế hoạch cùng với học sinh để chuẩn bị ngày đó sao cho thật vui vẻ, ấn tượng. "Bọn tôi đang bàn với nhau, sẽ tổ chức một buổi tọa đàm, văn nghệ trong ngày đó", Khoa tâm sự.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đừng khiêm tốn với kẻ kiêu căng, đừng kiêu căng với người khiêm tốn  (22/02/2004)
Chat cùng AC&M   (20/02/2004)
Tháng Thanh niên 2004 ở Bình Định sẽ có nhiều hoạt động phong phú và quy mô  (19/02/2004)
Đời cho ta sức sống  (18/02/2004)
Cuộc sống   (17/02/2004)
Con gái "nhậu"  (16/02/2004)
Cho và nhận   (15/02/2004)
Sức Khỏe, Thành Đạt và Tình Yêu   (15/02/2004)
Sắc màu Valentine   (13/02/2004)
Sinh viên nói gì trong ngày tình yêu?   (12/02/2004)
Thị trường quà tặng cho ngày tình yêu: Phong phú và đa dạng   (12/02/2004)
Tóc "mô đen" - Nhìn và thấy  (11/02/2004)
Hoa lục bình  (10/02/2004)
Mùa xuân bay bổng cùng hoa cỏ qua ca khúc "Hoa cỏ mùa xuân" của Bảo Chấn   (06/02/2004)
Gây quỹ đoàn  (04/02/2004)