Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời hạn học sinh (HS) lớp 12 nộp hồ sơ đăng ký thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2004 là từ 15-3 đến 15-4. Như vậy, không đầy nửa tháng nữa tất cả HS khối lớp 12 trên địa bàn tỉnh phải cân nhắc "thiệt hơn" trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng. Và vì thế trong lúc này, vai trò tư vấn nghề nghiệp của nhà trường đối với HS càng trở nên cần thiết.
* Kết quả từ một cuộc trắc nghiệm
|
HS rất cần được định hướng nghề nghiệp |
Không chỉ đến hôm nay vấn đề tư vấn nghề nghiệp cho HS trước ngưỡng cửa tuyển sinh ĐH, CĐ mới được đặt ra. Tuy nhiên, khi nhu cầu của xã hội ngày càng cần đến những người đáp ứng công việc trình độ cao và sự cân bằng giữa các ngành nghề, việc tư vấn nghề nghiệp đã thật sự trở thành vấn đề cần quan tâm. Theo một cuộc khảo sát việc làm của các sinh viên tốt nghiệp ĐH năm 2001 của Dự án Giáo dục ĐH (nguồn từ Bộ GD-ĐT) mới đây kết luận, có đến 57,34% số sinh viên ra trường phải học thêm các ngành nghề khác, thậm chí phải học lại các ngành nghề đã học trong trường, 58,05% phải học thêm tin học, 60,06% phải học thêm ngoại ngữ... để phù hợp hơn với sở thích nghề nghiệp, hoàn cảnh bản thân, hoặc để có thể phát triển nghề nghiệp, thích ứng với với yêu cầu của thị trường lao động đòi hỏi. Thực tế này đã gióng lên hồi chuông báo động đối với những người làm công tác giáo dục trong việc định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông.
Từ đó, các nhà nghiên cứu, GV và HS đều khẳng sự cần thiết của tư vấn nghề nghiệp. Để có được những con số chứng thực cụ thể, chúng tôi đã tiến hành một cuộc trắc nghiệm nhỏ với 245 HS lớp 12 Trường THPT Trưng Vương (Quy Nhơn). Với câu hỏi "Theo bạn, hoạt động tư vấn về nghề nghiệp trong trường học phổ thông có cần thiết?", đã có đến 207 ý kiến cho rằng đây là một việc làm rất cần thiết, 5 ý kiến không cần thiết, 28 ý kiến cho rằng có cũng được, không có cũng được và 5 ý kiến khác.
Cũng trong phần lấy ý kiến này, đa số các HS khi làm hồ sơ thi ĐH, CĐ đều tìm hiểu nghề nghiệp chủ yếu thông qua các kênh như: phương tiện thông tin đại chúng, góp ý của bạn bè người thân (chiếm tỉ lệ 67,8%). Trong khi đó, ý kiến tham khảo từ thầy cô giáo trong trường học chỉ chiếm một phần rất nhỏ (9,8%).
* Hướng nghiệp như thế nào?
Khi đặt câu hỏi này, nhiều người cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho HS đã có các trường dạy nghề đảm nhận. Tuy nhiên, hiện nay vai trò định hướng nghề nghiệp tương lai cho HS của bộ môn giáo dục hướng nghiệp ở trường dạy nghề chưa thật sự hiệu quả. Các trường này dạy nghề cho HS khối 8 và khối 11 để chuẩn bị cho HS lên lớp 9 và 12 được cộng điểm vào điểm thi tốt nghiệp, chứ không phải là con đường cho HS tiếp nối vào con đường học sau này.
Trong quá trình học phổ thông, HS cũng được nhà trường định hướng nghề nghiệp song chỉ như "đá ném ao bèo". Thường, hoạt động này được tiến hành 2 đợt: trước khi HS làm hồ sơ đăng ký thi tuyển sinh và sau kỳ thi tốt nghiệp lớp 12. Ông Đặng Công Thuận, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (Quy Nhơn) cho biết: "Năm học nào, nhà trường cũng phổ biến chương trình ôn tập, hướng học, ra đề và các ngành nghề trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ và Sở GD-ĐT. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp Ban giám hiệu, Đoàn trường và GV bộ môn tích cực định hướng cho các em bằng cách tìm kiếm thông tin trên báo chí, kinh nghiệm và thông tin do các trường ĐH gởi về".
Tuy nhiên, sự định hướng trên chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi là một giờ học, một buổi tập trung "nói chuyện" hay đơn thuần giữa GV bộ môn với một vài HS "mạnh dạn" xin ý kiến. Nội dung cũng chỉ xoay quanh giới thiệu về số ngành nghề, chỉ tiêu đầu vào, hướng dẫn cách làm hồ sơ, quy chế thi cử chứ chưa thật sự chú trọng vào công việc phải làm, nhu cầu đầu ra của xã hội hay phù hợp với khả năng lẫn sở thích nghề nghiệp của HS. Ông Huỳnh Văn Thụ - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (Quy Nhơn) lý giải: "Với khả năng và khuôn khổ của trường thì không thể đòi hỏi đi sâu vào từng ngành nghề phù hợp với năng lực và thiên hướng của từng HS. Mặt khác, GV bộ môn chỉ chuyên vào một môn nhất định nên giữa sự hướng dẫn về lý thuyết và thực tế lại có khoảng cách khá xa".
GV không thể chuyên sâu vào từng khối, HS thiếu thông tin - đã tạo ra tình trạng học ĐH giống như một phong trào. Nhiều sinh viên không hiểu được ngành nghề mình đang học và không đáp ứng được công việc sau khi ra trường. Theo ý kiến của ông Thụ và nhiều GV khác, để HS có cơ sở chọn được nghề nghiệp phù hợp thì ít nhất, việc định hướng nghề nghiệp không phải là một bộ môn thì cũng là một phần cụ thể trong chương trình học phổ thông. Tại sao lại không?
. Lê Thu Hiền
|