Buồn - vui đời thợ gỗ
16:3', 7/3/ 2004 (GMT+7)

. Phóng sự của Viết Thọ - Thu Hà

Bình Định hiện là thủ đô của ngành sản xuất hàng lâm sản. Và cùng với bóng dáng những xưởng gỗ đua nhau mọc lên, cũng là lúc những lao động trẻ nội, ngoại tỉnh, nối nhau rời quê ra khu công nghiệp làm thợ gỗ.

* Nên duyên từ đời thợ

Tại một phân xưởng chế biến lâm sản thuộc Tổng Công ty PISICO (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Một ngày, len lỏi qua những xóm thợ, nơi quy tụ khá dày những nhà trọ công nhân, dọc hai bên Quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn), tôi gặp vợ chồng Nam và Bích. Cả hai đều là thợ gỗ, cùng làm một ca, trong cùng một xưởng thuộc Xí nghiệp Chế biến Lâm sản Xuất khẩu (Tổng Công ty PISICO). Lúc tôi đến, trên bức tường nhà trọ, vẫn còn một bó hoa cưới đã khô. Hóa ra, họ mới cưới nhau hơn một tháng nay. Huỳnh Thị Bích, tên cô gái, tâm sự: "Tụi em gặp nhau trong xưởng, thấy được rồi ưng luôn. Nói thật là chẳng có thời gian đâu mà tìm hiểu. Mà không chỉ tụi em, cả tổ tụi em đã có mấy cặp như vậy rồi". Rồi Bích cho biết thêm, mỗi tháng, tính ra hai vợ chồng thu nhập được 3 triệu đồng. Sau khi trừ tiền ăn, khoảng 7-10.000 đồng/ngày, tiền trọ 150.000 đồng/tháng, hai vợ chồng còn dành dụm được kha khá. "Lúc đầu cũng định mua xe máy đi làm, nhưng nhiều người khuyên, thôi thì cứ để dành rồi kiếm mảnh đất xó xỉnh nào đó mà mua, cất lên cái chòi mà ở. Em thấy vậy cũng phải. Mới đây, lại đi dạm được một khoảng đất dưới chân núi, giấy tờ viết tay, giá trên chục triệu. Với tụi em, có được miếng đất như vậy là cả một giấc mơ rồi". Chỉ một dãy 5-6 phòng trọ, trong cùng một nhà trọ, đã có 3 cặp nên vợ nên chồng như Nam và Bích.

Vào đời thợ gỗ sớm hơn những cặp vợ chồng trên nên gia đình anh Nguyễn Văn Luyện đã sớm ổn định hơn. Qua câu chuyện tôi được biết, cưới nhau vừa chẵn hai tháng, hai vợ chồng anh đã khăn gói từ huyện Phù Mỹ vào TP Quy Nhơn để xin làm công nhân gỗ tại một Công ty TNHH chuyên chế biến lâm sản xuất khẩu. Mức lương của Luyện là 1 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, vợ chồng Luyện phải bỏ ra 200.000 đồng tiền thuê nhà trọ. Trừ thêm các chi phí sinh hoạt khác, hàng tháng hai vợ chồng dành dụm khoảng 700.000 đồng… "Vậy là đã ăn đứt ở nhà quê chúng em rồi đấy, anh ạ!" - ngồi trong căn phòng thuê vỏn vẹn hơn chục mét vuông, Luyện nói với tôi vậy. Gom góp vậy nên hai năm trước, vợ chồng Luyện đã mua được nhà, và vẫn tiếp tục làm thợ gỗ. Ngồi trong căn nhà nhỏ, mé núi phường Quang Trung, Luyện vui vẻ: "Nhỏ cũng được, xó xỉnh không sao. Có chỗ cho hai vợ chồng chui ra chui vào sau một ngày làm việc mệt nhọc, vậy là thấy vui lắm rồi".

* Bấp bênh đời thợ

"Đời thợ gỗ ư? Có gì ngoài điệp khúc làm ngày làm đêm" - Đặng Văn Hồng, công nhân Công ty TNHH Phước Hưng, nói vậy. Rồi Hồng cho biết thêm: "Thỉnh thoảng, được ngày nghỉ, mấy anh em trong phòng trọ rủ nhau nhậu tí đỉnh hay đánh bài. Sinh hoạt tinh thần với cánh thợ gỗ tụi này là vậy". Còn Cương, công nhân Công ty TNHH Mỹ Tài, trọ tại một dãy nhà gần đó, cho biết, cô từ Hoài Hảo (Hoài Nhơn) vào Quy Nhơn làm công nhân gỗ được hơn một năm nay. Công việc của Cương chủ yếu là đánh bóng và lau chùi. Cương tâm sự: "Làm công nhân gỗ vất vả mà công việc lại không thường xuyên. Có hôm, làm 2 ca liên tục, mãi 9, 10 giờ tối mới mò mặt về đến nhà trọ". Bởi vậy, ở Quy Nhơn hơn một năm, mà hầu như Cương chỉ biết mỗi ngã ba Phú Tài. "Cương có hay vào Quy Nhơn?" - tôi hỏi. Cương nói: "Đi làm về thì chỉ muốn nằm lăn ra ngủ. Thời gian đâu mà đi!". Và tại một dãy trọ khác, tôi được cánh thợ gỗ chỉ cho căn phòng "5 cô đơn". Tuổi họ đã trên hăm... vậy mà vẫn chưa tìm đâu ra một nửa của mình.

Anh, một thợ gỗ vào hạng tân binh, nói: "Làm ngày làm đêm có cực, có buồn mà chịu được, chỉ sợ có những đêm làm ca ba, buồn ngủ quá, ngủ gật bên máy thì tai nạn rất dễ xảy ra…". Nói rồi, Anh giải thích: "Làm nghề này, tai nạn nho nhỏ là thường". Tai nạn nho nhỏ có thể là đứt tay, chảy máu nhưng cũng có khi dễ dàng "đi" vài lóng tay chỉ vì sơ ý. Nhiều nhất vẫn là công nhân mới vào nghề, lóng ngóng, đè mạnh tay lên cây gỗ, vậy là đi một mảng bàn tay. Tốt nghiệp 12, Anh từ Hà Tĩnh vào Quy Nhơn làm thợ gỗ mới tròm trèm tháng nay, vậy mà theo Anh, hầu như không tuần nào không phải góp tiền để thăm người trong xưởng bị tai nạn. Tai nạn nho nhỏ là chuyện thường nhật, còn tai nạn chết người cũng không ít. Sơ sẩy bị lưỡi cưa vòng chém chết, hay lọt chân khi bưng gỗ, rơi xuống hố luộc gỗ, vậy là hết một đời…

* Thợ gỗ: còn chịu nhiều thiệt thòi

Thợ gỗ cũng chịu nhiều thiệt thòi về các chính sách dành cho người lao động. Các DN dân doanh này chủ yếu vẫn ký hợp đồng miệng hoặc theo thời vụ với công nhân. Một công nhân cho biết: "Em có thấy ký tá gì đâu. Người ta kêu vào làm thì làm. Làm được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu thôi". Không ít DN dùng "chiêu" này, kể cả khi công nhân đã làm tại các DN nhiều năm, để "né" đóng BHXH. Theo thống kê, tại Bình Định, trong khu vực kinh tế dân doanh, chưa tới 7% trong tổng số lao động đang làm việc được đóng BHXH. Để lách luật, các DN thường ký hợp đồng ngắn hạn hoặc thời vụ mặc dù vẫn sử dụng lực lượng lao động này thường xuyên; khai báo số lao động thấp hơn nhiều so thực tế, khai báo mức lương thấp xuống để giảm số BHXH phải nộp. Một số DN lại… tự soạn ra mẫu hợp đồng lao động nhằm cắt xén một số chế độ của người lao động. Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định nhận xét: "Hợp đồng lao động đã bị "biến tướng" thành một loại hợp đồng khác như hợp đồng kinh tế dân sự để né tránh thực hiện các chính sách lao động. Nếu trong hợp đồng lao động không thể hiện rõ các điều kiện làm việc, nghỉ ngơi… thì người lao động sẽ bị thiệt thòi rất nhiều bởi còn liên quan đến các chế độ trợ cấp sau này".

. V.T-T.H

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cho một niềm tin  (05/03/2004)
Châu Hồng Tâm - người đi đầu trong phong trào thanh niên   (04/03/2004)
Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh 12: Rất cần thiết   (03/03/2004)
Khung trời nỗi nhớ  (01/03/2004)
Khi mỗi gương mặt là một đóa hồng  (29/02/2004)
Trần Thanh Phương - Vượt khó, học giỏi, đá bóng hay   (27/02/2004)
Hoạt động của tuổi trẻ TP Quy Nhơn trong Tháng Thanh niên  (25/02/2004)
Tép rang dừa   (24/02/2004)
Sinh viên - buồn vui thực tập  (23/02/2004)
Đừng khiêm tốn với kẻ kiêu căng, đừng kiêu căng với người khiêm tốn  (22/02/2004)
Chat cùng AC&M   (20/02/2004)
Tháng Thanh niên 2004 ở Bình Định sẽ có nhiều hoạt động phong phú và quy mô  (19/02/2004)
Đời cho ta sức sống  (18/02/2004)
Cuộc sống   (17/02/2004)
Con gái "nhậu"  (16/02/2004)