Toàn tỉnh hiện có 380 cán bộ Tổng phụ trách (TPT) Đội, trong đó có khoảng 1/4 ở độ tuổi từ 35 trở lên. Tuy lớn tuổi song họ vẫn miệt mài với phong trào thiếu nhi. Với họ, công tác TPT Đội đã trở thành một nghề gắn bó gần như suốt cả một quãng đời.
* Những "lão làng" trong làng TPT đội
Anh Trần Văn Sinh, TPT Đội trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) đã làm công tác TPT Đội hơn 28 năm. Nếu nói về thành tích thì có một "trời" giấy khen, bằng khen và các loại huy chương của Đoàn, của Đội anh đều có đủ. Anh cũng là người đầu tiên trong "làng" TPT Đội của tỉnh Bình Định được nhận huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục". Do có "thâm niên" làm TPT Đội nên anh tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và phương pháp tập hợp, tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi. Ngày nào vắng bóng ở trường, không tiếp xúc với trẻ em, không tổ chức trò chơi, hát múa, các phong trào thi đua… thì trong lòng anh cảm thấy trống trải. Anh tâm sự: "Tuy tuổi đã lớn, có cháu nội, không còn phù hợp và năng động như hồi còn trẻ nhưng tôi luôn gắn bó với phong trào, với các em thiếu nhi và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Anh Lê Quang Bảo - TPT Đội trường THCS Hoài Tân (Hoài Nhơn), tính đến nay cũng đã hơn 21 năm làm TPT Đội. Chuyên môn của anh là CĐSP Toán song anh lại thích thú với "nghề" TPT Đội. Với năng khiếu hài hước, tận tụy với công việc nên đồng nghiệp và các em rất quí mến anh. Thành tích của anh và của tập thể cũng chẳng thua kém với các TPT "lão làng" khác. Trong những hoạt động giao lưu với lực lượng TPT Đội, anh Lê Quang Bảo thường nói vui: "Nếu tôi chết hãy chôn tôi với chiếc khăn quàng đỏ".
Còn đến trường Tiểu học số 2 Cát Tường (Phù Cát) sẽ được nghe các em học sinh gọi rất dễ thương "Anh Sáu Trinh" với anh Nguyễn Trinh - TPT Đội của trường. Anh Sáu Trinh cũng đã có gần 15 năm làm TPT Đội và Liên đội do anh dìu dắt từ yếu đã trở thành một liên đội xuất sắc cấp tỉnh và được TƯ Đoàn tặng bằng khen. Anh tâm sự: "Mình sẽ làm TPT Đội cho đến tuổi về hưu…".
* Sẽ có lớp TPT Đội trẻ trung hơn
Theo đánh giá của các cấp bộ Đoàn và Ban giám hiệu các trường thì TPT Đội lớn tuổi tuy có vẻ không phù hợp với vai trò TPT Đội song hiệu quả giáo dục cho thiếu nhi như đã thấy là rất lớn. Họ đã kinh qua công tác Đoàn, Đội, có phương pháp, kinh nghiệm, cho nên phần lớn các trường ít muốn thay đổi TPT Đội. TPT Đội rất khó tìm, vì thế nếu đã có một TPT Đội làm được, quen việc các trường vẫn muốn giữ TPT Đội cũ dù có người đã lên tới chức ông nội, ông ngoại bởi nếu thay người không như mong muốn, chất lượng giáo dục, phong trào thi đua sẽ đi xuống. TPT Đội trẻ, mới thường phải có thời gian làm quen với công việc mới từ 2-3 năm mới làm tốt phong trào. Tuy nhiên theo quan điểm của ngành giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, việc trẻ hóa đội ngũ TPT Đội để phát huy tính xung kích, sáng tạo và tạo ra nhiều mô hình mới, đặc biệt là thực hiện Thông tư liên ngành số 23 ngày 15-1-1996 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, TƯ Đoàn, Bộ Tài chính và Ban Tổ chức cán bộ chính phủ là hết sức cần thiết.
Hầu hết TPT Đội trong tỉnh hiện nay được đào tạo từ ngành sư phạm chứ chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn TPT Đội. Để đáp ứng nhu cầu này, trong 3 năm qua trường CĐSP Bình Định đã liên tiếp tuyển sinh và đào tạo chuyên môn TPT Đội cho hơn 200 giáo sinh. Hy vọng rằng lớp giáo viên - TPT Đội được đào tạo hẳn hoi về chuyên môn sẽ dần dần thay thế cho các anh, chị TPT Đội tuổi đã lớn và họ sẽ nối tiếp truyền thống, đẩy mạnh các phong trào mà các thế hệ anh, chị đã gầy dựng.
. Hà Cát
|