Luyện thi đại học - cần tỉnh táo
17:21', 19/3/ 2004 (GMT+7)

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2004 đang ngày càng đến gần hơn và sức nặng thi cử đang đè lên các bạn trẻ. Nhiều học sinh (HS) đang học 12 cũng như các thí sinh đã qua một hoặc vài ba lần trượt... vỏ chuối vẫn quyết tâm cắp tráp đi ôn thi đại học.

* Giỏi - yếu đều luyện thi

Trong một lần tham khảo ý kiến của các bạn HS đang học lớp 12 và thí sinh tự do về những lý do để học luyện thi đại học, chúng tôi đã lập tức nhận được rất nhiều cái nhìn ngạc nhiên. Lý do luyện thi ư? Thì để "mở rộng, đào sâu" thêm kiến thức đã học ở trường, bổ sung những gì còn thiếu; giáo viên dạy học đều là giảng viên của trường đại học nên luyện thi sát với hướng ra đề thi, các giáo viên sẽ truyền kinh nghiệm thêm nhiều "chiêu" làm bài tốt hơn, ôn tập có hệ thống kiến thức từ 3 năm học, có thêm thông tin về ngành học chỉ tiêu đầu ra đầu vào của trường... Nói chung là tất tần tật thứ đều có ở Trung tâm luyện thi.

Anh chàng Trung Nguyên đang luyện thi tại Trung tâm luyện thi đại học Quy Nhơn (đường Lê Xuân Trữ - Quy Nhơn) vốn học hành năm nào cũng lẹt đẹt cuối lớp, nhưng mộng tương lai còn cao nên đã qua 2 mùa luyện vẫn không đặt nổi chân mình vào trường đại học nào. Khá hơn có bạn Hoàng Oanh đang học lớp 12 Trường THPT Xuân Diệu (Tuy Phước) mở đầu kế hoạch thi đại học bằng sự lo lắng: "Sức học của mình chỉ thuộc vào hàng trung bình khá nên phải cố gắng học thêm một chút nữa cho chắc".

Sức học yếu nên phải luyện thi là chuyện đã đành nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều bạn HS học khá giỏi cũng bảo nhau đi luyện thi. Thanh Xuân - một HS rất khá của Trường THPT Trưng Vương (Quy Nhơn) nhưng vẫn đi ôn thi. Lý do phần nhiều cũng vì các bạn không đủ tự tin với sức học của bản thân. Thực tế cho thấy, nhiều HS trường chuyên lớp chọn học giỏi, suốt ngày phải vò đầu bứt tai với lịch học dày đặc cũng không dứt khỏi con đường luyện thi.

* Luyện thi ở trường - bụt chùa nhà không thiêng

Khi nói đến việc thống kê số HS ôn thi đại học tại trường, hầu hết giáo viên các trường phổ thông đều thừa nhận rằng rất ít.

Theo lịch trình, từ năm học đầu cấp, các trường THPT đã chú trọng đến các phương pháp giảng dạy và học tập để củng cố kiến thức cho các em HS. Đến năm 12, các trường lại chủ động mở lớp bồi dưỡng củng cố hệ thống kiến thức 3 năm qua để các em bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo bà Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Quốc Học Quy Nhơn, đây là một việc làm cần thiết bởi giáo viên của trường có thể biết được năng lực của từng HS. Từ đó có cơ sở hướng bồi dưỡng, bù đắp phần kiến thức thiếu hụt cho các em. Tuy nhiên, xu thế của HS hiện nay vẫn là đi vào các Trung tâm luyện thi bên ngoài hoặc của trường đại học. Đây là tình trạng chung của các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Mỗi tuần dạy 2 buổi, học phí cho mỗi môn học 20.000/tháng nhưng các lớp học luyện thi tại trường trống hoắc, chỉ lèo tèo vài học sinh, lớp đông nhất cũng chỉ đến 20 HS. Có trường thời gian đầu năm hoạt động tương đối đều đặn nhưng càng về cuối năm, các trung tâm luyện thi bên ngoài bắt đầu hút hết HS. Đến nỗi nhiều giáo viên cũng phải chép miệng "bụt chùa nhà không thiêng".

* Giáo viên nói gì?

Trong khi HS bị cộng hưởng đua nhau vào lò luyện thi thì các giáo viên trường phổ thông lại có những nhìn nhận riêng của mình. Ông Huỳnh Văn Thụ - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, cho biết: "HS bây giờ thường ham thích cái mới. Có những lúc ở Trung tâm luyện thi có HS đậu đại học nhưng hầu hết đều là những HS khá giỏi. Trong khi đó, việc HS đua nhau vào các Trung tâm luyện thi mà chưa lượng được sức học của mình thì chưa chắc gì đã mang lại hiệu quả. Vì thế, HS cần có sự nhìn nhận đúng đắn về việc luyện thi đại học".

Còn với cô Thanh Hiền - giáo viên Trường THPT Tuy Phước I - thì cái chính để tạo được thành công trong thi đại học cũng như quyết định cho tương lai chủ yếu vẫn dựa vào sức mình là chính. Và đó cũng chính là lưu ý của chúng tôi dành cho các sĩ tử tương lai trong bài viết này.

. Lê Thu Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chọn đúng ngành học là quan trọng nhất   (18/03/2004)
Câu chuyện tháng 3   (17/03/2004)
Hoa bằng lăng   (16/03/2004)
Điều gì tạo nên một cô gái hấp dẫn?  (14/03/2004)
Một du học sinh VN đoạt giải thưởng lớn về thiết kế tại Nhật Bản   (11/03/2004)
Đệ Anh - ứng cử viên học sinh giỏi quốc gia   (11/03/2004)
Chuyện "nghề" tổng phụ trách đội   (10/03/2004)
Nguyễn Thị Thùy Trâm vượt khó, học giỏi   (09/03/2004)
Buồn - vui đời thợ gỗ  (07/03/2004)
Cho một niềm tin  (05/03/2004)
Châu Hồng Tâm - người đi đầu trong phong trào thanh niên   (04/03/2004)
Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh 12: Rất cần thiết   (03/03/2004)
Khung trời nỗi nhớ  (01/03/2004)
Khi mỗi gương mặt là một đóa hồng  (29/02/2004)
Trần Thanh Phương - Vượt khó, học giỏi, đá bóng hay   (27/02/2004)