Sinh viên sư phạm thất nghiệp do... thiếu thông tin
17:14', 23/3/ 2004 (GMT+7)

                SV sư phạm

Không riêng gì ở Bình Định, những sinh viên (SV) sư phạm hiện nay ra trường không có việc làm đã trở thành phổ biến và là nỗi lo chung của xã hội.

Những khó khăn, lo lắng trên không chỉ đối với SV đã ra trường mà ngay cả những SV đang học. SV Nguyễn Thị Thu Hồng, năm 2 khoa Sử, trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định, buồn bã nói: "Thi đậu vào trường Cao đẳng sư phạm, mình rất mừng nhưng rồi không ngờ hiện nay giáo viên lại thừa nhiều đến thế". Cũng như Thu Hồng, nhiều SV khác ở nông thôn khi thi đậu vào trường sư phạm đối với bản thân và gia đình là một niềm vui lớn; nhưng sau nhiều năm miệt mài học tập trở về lại tiếp tục làm... ruộng, vì vậy không ít SV ở các trường sư phạm tỏ ra chán nản.

SV sư phạm ra trường không có việc làm đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Phần lớn SV khi quyết định thi vào trường sư phạm, ngoài ước muốn được cống hiến còn có một lý do khác là học ngành này khỏi phải lo tìm đầu ra. Vì thế nhiều bậc phụ huynh luôn khuyên con mình nên thi vào ngành sư phạm bởi ai cũng mang suy nghĩ có đào tạo thì có tuyển dụng. Thực tế trong những năm qua, việc SV sư phạm ra trường bị thất nghiệp đã không còn là vấn đề mới nhưng lại là vấn đề cứ phải nói đi nói lại. Nhiều SV hết sức bất ngờ khi xét tuyển công chức ngạch giáo viên không có tên mình, bởi khi tuyển sinh ở các khối ngành đều có chỉ tiêu cụ thể cần tuyển ở các đơn vị huyện, thành phố nên các thí sinh dự tuyển cứ cố gắng thi cho đậu, học cho tốt và đinh ninh rằng xong là có... việc làm.

Xảy ra tình trạng tréo cẳng ngỗng nêu trên là do việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh ở các đơn vị không chính xác, chỉ mang tính dự báo. Trao đổi với một vị cán bộ của Phòng Tổ chức - Cán bộ (Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Định), thì được vị này giải thích: "Không thể nào giảm chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm xuống được, nếu "lỡ" một vài năm tới, một số lượng lớn giáo viên nghỉ hưu thì sẽ thiếu giáo viên". Chính những dự báo không chính xác này mà công tác đào tạo thường đi theo hướng một chiều, không chặt chẽ từ "đầu vào" cho đến "đầu ra". Chỉ tính riêng từ năm 2003 cho đến nay, trong đợt xét tuyển công chức ngạch giáo viên có đến 1.270 hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng chỉ xét được 502 hồ sơ, hơn một nửa còn lại không biết sẽ làm gì?

Rõ ràng, nguyên nhân làm cho cung lớn hơn cầu trong ngành học sư phạm là do người học không nắm bắt được thông tin nên không biết ngành mình chọn hiện đang thừa hay thiếu. Thêm vào đó, ngành giáo dục - đào tạo cũng thiếu những thông tin chính xác từ các đơn vị cơ sở, nên không điều chỉnh kịp thời những phát sinh, từ đo đưa đến hệ quả là những lĩnh vực cần thì không có người học, lĩnh vực không cần thì người xin vào học quá nhiều. Cán cân cung cầu chênh lệch không chỉ gây ra lãng phí mà còn kìm hãm tài năng, sự cống hiến cho xã hội của người học. Lẽ nào tình trạng này cứ kéo dài mãi?

. Nguyễn Phúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tiền dằn túi: một cách tập tính tiết kiệm cho bạn gái  (21/03/2004)
Luyện thi đại học - cần tỉnh táo  (19/03/2004)
Chọn đúng ngành học là quan trọng nhất   (18/03/2004)
Câu chuyện tháng 3   (17/03/2004)
Hoa bằng lăng   (16/03/2004)
Điều gì tạo nên một cô gái hấp dẫn?  (14/03/2004)
Một du học sinh VN đoạt giải thưởng lớn về thiết kế tại Nhật Bản   (11/03/2004)
Đệ Anh - ứng cử viên học sinh giỏi quốc gia   (11/03/2004)
Chuyện "nghề" tổng phụ trách đội   (10/03/2004)
Nguyễn Thị Thùy Trâm vượt khó, học giỏi   (09/03/2004)
Buồn - vui đời thợ gỗ  (07/03/2004)
Cho một niềm tin  (05/03/2004)
Châu Hồng Tâm - người đi đầu trong phong trào thanh niên   (04/03/2004)
Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh 12: Rất cần thiết   (03/03/2004)
Khung trời nỗi nhớ  (01/03/2004)