Thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo về kỳ thi tuyển sinh năm 2003 cho thấy, vẫn còn một lượng lớn thí sinh (TS) có trình độ học trung bình, yếu nhưng vẫn thi đại học, gây tốn kém cho xã hội. Mặc dù vậy, theo dự đoán, năm nay số TS đăng ký dự thi sẽ không giảm, dù biết rằng chủ trương định "điểm sàn" của Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ loại khoảng 60% TS dự thi ra khỏi vòng xét tuyển.
Từ ngày 15-3, các trường THPT bắt đầu thu hồ sơ đăng ký dự thi của TS nhưng không khí đã "nóng" từ nhiều hôm trước. Số hồ sơ các trường đăng ký tại Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Định tăng vọt vì một học sinh trung bình nộp 3-4 bộ, có học sinh mua 5 bộ để đăng ký vào 5 trường, chấp nhận mất một khoản lệ phí đăng ký dự thi. Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (An Nhơn), chỉ có 112 học sinh nhưng nhà trường đã bán hết hơn 400 bộ hồ sơ, trung bình 1 học sinh mua 4 bộ, dù năm học trước chỉ có khoảng gần 10% học sinh đỗ đại học và cao đẳng.
Trước khi tổ chức thu hồ sơ đăng ký dự thi, thậm chí ngay từ đầu lớp 12, hầu hết các trường đều tư vấn, giúp học sinh xác định rõ khả năng của mình để nộp đơn vào ngành nghề cho thích hợp, nhưng xem ra lời khuyên đó không có tác dụng với những học sinh có sức học kém. Theo lý giải của nhiều hiệu trưởng trường THPT, hầu hết các học sinh đều có tâm lý được thi đại học "một lần trong đời" trong đó đáng buồn là có nhiều học sinh không biết được trình độ của mình nên đặt nguyện vọng không đúng chỗ. Thêm vào đó còn do sức ép từ chính các bậc phụ huynh. Nhiều vị biết con em mình sức học không đến đâu nhưng vẫn thúc ép nộp hồ sơ thi đại học. Mặt khác, một số học sinh nộp hồ sơ thi đại học vì còn trông chờ vào cơ hội "may rủi" như dùng "phao", quay cóp hoặc chấm... nhầm.
Nếu học ở mức trung bình, yếu kém thì không nên thi đại học - đó là lời khuyên của rất nhiều giáo viên dành cho các học sinh đang phân vân chưa biết chọn thi ngành nghề, trường nào. Theo thầy Nguyễn Thành Sơn, Hiệu phó trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (An Nhơn), học sinh nên từ bỏ quan điểm thi đại học cho vui, cho oai bởi một lần đi thi rất tốn kém, thay vào đó các em phải biết chọn trường cho phù hợp với thực lực của mình.
Vai trò của các bậc phụ huynh trong việc định hướng cho con em mình cũng rất quan trọng, họ phải tìm hiểu kỹ lưỡng các trường, không nên ép con em thi đại học theo kiểu phong trào. Hiện nay cũng có được một số ít học sinh ý thức được sức học của mình nên đã chọn trường thi cho phù hợp. Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, các học sinh có sức học hạn chế sẽ có khả năng lao động chân tay giỏi. Nếu vào các trường trung học chuyên nghiệp, các trung tâm dạy nghề, những học sinh này sẽ được đào tạo thành những người thợ giỏi rất có ích cho xã hội.
. Nguyễn Phúc
|