"Sau khi tốt nghiệp ra trường, bất cứ một sinh viên (SV) nào cũng đều mong muốn có được một công việc ổn định, vừa có thu nhập cho bản thân, vừa đóng góp sức mình cho xã hội, do đó, khi còn ngồi trên ghế giảng đường, tôi cũng như bao nhiêu bạn khác trong lớp nung nấu một ước mơ cháy bỏng là được đứng trên bục giảng. Ước mơ đó của tôi giờ chỉ thực hiện được có một nửa, bởi vì mùa hè sắp đến, tôi sắp "mất dạy". Vì tôi chỉ là một giáo viên hợp đồng…". Bạn M.T (quê ở Hoài Nhơn), một giáo viên hợp đồng, đã cười như mếu khi nói về công việc của mình.
* Sau lễ tốt nghiệp… là thất nghiệp
Hiện nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm đang chiếm một tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Tại Hội chợ việc làm Bình Định năm 2003, trong số những người đến xin việc có đến gần 60% là SV sư phạm. Nhiều bạn đã nói đùa rằng: Sau lễ tốt nghiệp là những ngày thất nghiệp của SV sư phạm. Một xu thế tất yếu của cuộc sống hiện đại là những gia đình đều sinh rất ít con, điều đó khiến cho đầu vào của các trường giảm dần theo thời gian, trong khi đó, số lượng SV ra trường lại ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, chỉ tiêu nhận giáo viên mới tại các trường trong tỉnh chỉ có thể đến trên đầu ngón tay, mà lượng giáo sinh tốt nghiệp phải tính đến con số trăm, số ngàn. Bạn V.M (TP Quy Nhơn) cười buồn: "Ngày làm lễ tốt nghiệp, lũ SV chúng tôi cầm tấm bằng trên tay và nhìn khung trời ngoài cổng trường Đại học bằng con mắt trong veo. Ôm một hoài bão lớn lao là đứng trên bục giảng để truyền đạt vốn kiến thức mà mình có được cho lớp đàn em mai sau, nhưng hỡi ôi, thực tế quá phũ phàng… Mình đã xin việc 2 năm rồi mà chẳng được, có lẽ phải chuyển sang làm một việc nào khác."
Còn bạn N.T (cũng ở TP. Quy Nhơn) bức xúc kể lại câu chuyện đi xin việc của mình: "T đến gặp một hiệu trưởng, là nữ, bày tỏ nguyện vọng của mình muốn xin về trường, cô giáo ấy đã nói với mình những điều thực phũ phàng: thứ nhất trường không nhận giáo viên nữ, nhận mấy cô về vài năm là lấy chồng, là sinh con đẻ cái. Thứ 2 là trường dành những tiết dạy cho giáo viên tăng giờ để có thêm thu nhập, chứ cho mấy cô dạy để họ nhịn đói à?".
* Bấp bênh giáo viên "mùa vụ"
N.T nay đã đi dạy cho một trường cách xa nhà cô đến hơn 30 km, nhưng quãng đường đó không khiến cho cô nản lòng. Điều mà cô rất lo lắng chính là mùa hè sắp đến. N.T đùa một cách chua chát: "Hè vè cũng có nghĩa là mình sắp "mất dạy", vì mình chỉ là một giáo viên hợp đồng, công tác theo tính chất mùa vụ, chưa biết kết thúc năm học này rồi trường có tiếp tục hợp đồng lại với mình không?"
Đó là chưa nói đến chuyện "phân biệt" giữa các giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng. Trong một hội đồng sư phạm lại có sự "trên - dưới" đến đau lòng, những người trong biên chế, hoặc hợp đồng trong biên chế được xem như "con ruột", còn những giáo viên hợp đồng lại bị đối xử như "con ghẻ", không có chế độ khen thưởng cũng chẳng có bảo hiểm gì cả. Thu nhập thấp, tư tưởng không an tâm - thì làm sao những giáo viên trẻ (hợp đồng) có thể dốc hết tâm trí cho bài giảng? Hệ quả tất yếu xảy ra là chất lượng dạy học chắc chắn sẽ không đảm bảo, đối tượng chịu thiệt thòi lại là những em học sinh.
Biết bao giờ mới có thể chấp dứt tình trạng bấp bênh này?