Quên đi chuyện buồn
17:45', 26/4/ 2004 (GMT+7)

Từ khi được sinh ra đến năm 16 tuổi, tôi không hề biết thế nào là cực khổ. Mọi chuyện đã có mẹ lo chu đáo, tươm tất, từ cái ăn cái mặc đến cái học cái hành nên tôi luôn tự hào với lũ bạn trong xóm lẫn trong trường về ba mẹ, về mái gia đình hạnh phúc, cả về những món đồ chơi không phải đứa nào cũng có được.

Quen được nuông chiều, tôi không biết làm một việc nhà nào cả, từ lặt rau, quét nhà, rửa chén đến giặt giũ, bếp núc. Tôi chỉ biết học và chơi. Thứ hạng nhất lớp trong nhiều năm liền làm tôi luôn tự mãn với chính mình. Tôi tự cho mình cái quyền được đòi mẹ mua cho cái này cái nọ để thỏa mãn những ước mơ của mình mà không hề quan tâm đến tình cảm của bố mẹ như thế nào, tiền ở đâu bố mẹ có được…

Đến hè năm lớp 10, tình cờ nhỏ bạn thân bảo tôi rằng nó thấy ba tôi chở một cô nào đó, tình tứ lắm. Tôi không tin, mặc cho nó cứ khăng khăng khẳng định. Nhưng tối đó, tức quá, tôi kể mẹ nghe, định bụng sẽ nhờ mẹ làm chứng để tôi cự lại nhỏ bạn vì tội dám nói xấu ba tôi. Không ngờ sau một giây sững người, mẹ chậm rãi bảo: "Cuối cùng con cũng phải biết thôi. Mẹ không muốn giấu con làm chi nữa."

Rồi mẹ kể hết cho tôi nghe… Té ra, ba tôi quen với người ấy đã hai năm, nhưng sợ tôi buồn ảnh hưởng đến việc học nên ai cũng tìm cách giấu tôi. Té ra, những bữa cơm đầm ấm của gia đình tôi suốt hai năm nay chỉ là giả tạo. Tôi như người từ trên trời rớt xuống, hụt hẫng giữa ngôi nhà của chính mình... Từ đó, ba công khai đi với người ấy, còn mẹ tôi càng ngày gầy yếu thêm. Tuy tình thương hai người dành cho tôi có vẻ nhiều gấp đôi ngày trước như muốn bù đắp cho tôi nhưng tôi không thể nào vui được. Càng ghét ba, tôi càng thương mẹ nhiều hơn. Tôi thu mình vào vỏ ốc do chính mình tạo ra, chỉ biết học và học.

Ngày tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học cũng là ngày mẹ tôi qua đời do bệnh lao lực và suy tim cấp. Bên nội chỉ có mình tôi là cháu gái nên tôi lại phải về ở với ba. Nhưng lúc này, tôi ghét ba hơn lúc nào hết. Tôi lên ngay thành phố khi mộ mẹ vừa xây xong. Hằng tháng, ba và bà ấy đều gởi tiền lên cho tôi ăn học, nhưng tôi không thích con đường học vấn của tôi có sự giúp đỡ của bà ấy - nguyên nhân khiến gia đình tôi tan vỡ. Tôi hờ hững nhận số tiền đó rồi tiêu pha một cách phung phí vào những cuộc chơi vô bổ. Tôi cật lực làm thêm để có thể trang trải chi phí học tập. Tôi lao vào học thật nhiều, để sau này có thể làm ra thật nhiều tiền xây lại cho mẹ một ngôi mộ khác khang trang hơn và mua lại mảnh đất ngày xưa ông ngoại để cho mẹ nhưng mẹ đã bán nó để ba có vốn kinh doanh.

Tôi luôn tâm niệm tôi phải hơn đứa con chung của họ. Nhưng đôi lúc chỉ có một mình, tôi luôn thầm ước ba sẽ lên thăm tôi, ba sẽ lại ôm tôi vào lòng như những ngày tôi còn bé… Thỉnh thoảng, bà ấy cũng lên thăm tôi, nhưng tôi luôn tìm cách ra khỏi nhà. Nghe mấy đứa bạn kể lại rằng bà ấy buồn lắm, tôi cũng hơi chạnh lòng, nhưng nghĩ đến mẹ tôi lại quên ngay bà ấy. Dầu rất nhớ ba, rất muốn được ôm bé Ty vào lòng (con của ba tôi và bà ấy) nhưng lòng tự ái đã không cho phép tôi một lần bước chân về nhà trong suốt bốn năm đại học.

Cuối cùng thì công tôi bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Tôi tốt nghiệp loại giỏi và có việc làm ổn định, lương cao ngay sau khi ra trường. Đến lúc này, tôi mới chịu về quê để khoe với mẹ và thực hiện những mong ước bấy lâu. Trái hẳn với suy nghĩ của tôi, mộ mẹ tôi được quét dọn sạch sẽ, lại có hoa tươi để cúng. Mẹ được nằm trong miếng đất của ông ngoại ngày xưa. Dì ba tôi bảo do bà ấy để dành tiền mua lại, sau này cho tôi. Còn ba tôi bệnh liệt nửa người, tất cả những hoạt động như vệ sinh cá nhân hay ăn uống đều phải do bà ấy giúp đỡ. Nhưng bà ấy không hề than oán nửa lời khiến cả nhà bên ngoại tôi ai cũng phải khen.

Đến lúc này, dì ba tôi mới chịu kể tôi nghe rằng người ba tôi thật sự yêu ngày xưa là bà ấy, chứ không phải mẹ tôi. Tôi không phải là con ruột của ba. Ba chỉ vì lòng nhân từ mà giúp đỡ mẹ tôi trong phút mẹ lỡ lầm. Do hai nhà có quan hệ thân thiết với nhau, nên nội tôi không thể từ chối khi con gái người ơn cần giúp đỡ… Bà ấy cũng biết chuyện nhưng cuối cùng vẫn không ghét bỏ tôi.

Tôi hối hận. Nhưng tất cả đã qúa muộn màng. Tôi không thể làm gì hơn là nói một câu xin lỗi muộn màng rồi quay về thành phố ngay lập tức để trốn chạy chính trách nhiệm của mình.

Ba năm đã trôi qua, nhờ sự chăm sóc của bà ấy, ba tôi đã đi lại được. Trong lòng tôi đã không còn thù hận bà ấy như trước nữa, mà là sự cảm ơn một tấm lòng nhân hậu, nhưng tôi vẫn không thể nói nên lời. Có lẽ do cái tôi cố hữu của tôi ngày xưa đến bây giờ vẫn còn lớn. Còn bà ấy, vẫn dịu dàng, vẫn ân cần với tôi như con ruột… Tôi rất hy vọng bà ấy hiểu được lòng tôi vì trong sâu thẳm đáy lòng mình, tôi vẫn luôn cần một người mẹ. Tôi biết người thứ hai tôi có thể gọi bằng mẹ trên đời này không ai khác hơn là bà ấy…

. Hoàng Tú

(TPHCM)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hạt giống tốt trên mảnh đất Phú Văn hiếu học  (23/04/2004)
Tuổi trẻ Bình Định với "Âm vang Điện Biên"   (21/04/2004)
"Tôi đã rất chịu khó và kiên nhẫn"   (16/04/2004)
Thanh niên ít chọn trường nghề   (16/04/2004)
Sinh viên Đại học Quy Nhơn: Tình nguyện hiến dâng sự sống   (15/04/2004)
Bạn tôi  (15/04/2004)
Nhìn lại "Tháng thanh niên"   (14/04/2004)
Quynhoncity.com - sân chơi ảo của giới trẻ Bình Định   (12/04/2004)
Giàn hoa thiên lý  (11/04/2004)
Những giai điệu hùng tráng viết về "Anh bộ đội Cụ Hồ"  (09/04/2004)
Hoan hô tinh thần tình nguyện!   (08/04/2004)
Kết thúc dự án y bác sĩ trẻ tình nguyện: Dấu ấn blu trắng  (07/04/2004)
Bạn trẻ với nghề thợ bạc  (06/04/2004)
Hướng dẫn viên du lịch: Tại sao không?   (05/04/2004)
Làm giàu trên đất khô cằn   (04/04/2004)