Những bài ca của một thời đáng nhớ
15:58', 30/4/ 2004 (GMT+7)

Cánh lính già chúng tôi cứ mỗi dịp sinh hoạt Hội Cựu chiến binh lại rủ nhau mở băng karaoke, cùng hát với nhau những bài ca thời chiến tranh chống Mỹ. Những bài hát cuốn hút khiến chúng tôi say sưa. Hát xong chúng tôi còn ngồi lại với nhau, đắm mình trong những kỷ niệm. Có người miệng cười mà khóe mắt long lanh nước. Quả thật, những bài ca kháng chiến đã làm chúng tôi như sống lại những năm tháng hào hùng.

Mỗi bài ca có những nét đẹp riêng. Nhạc điệu khi da diết, thiết tha (Anh đi tìm em, Bóng cây Kơ nia, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Tình ca…), khi rộn rã, sôi nổi đầy chất tráng ca (Bài ca Trường Sơn, Lá đỏ…). "Bài ca Trường Sơn" đã ghi lại những tình cảm cao đẹp, những hình ảnh khó quên của một giai đoạn lịch sử. Đó là hình ảnh đoàn quân hào hùng ra trận. Họ nhận được những chiếc gậy tre của quê hương trao cho như nhắn nhủ những ai lên đường cùng lời hứa sắt son (Chiếc gậy Trường Sơn). Đó là những cô gái thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn - những cô gái ở lứa tuổi trăng tròn, lứa tuổi đẹp nhất của đời người đem cả tuổi xuân hiến dâng cho Tổ quốc (Cô gái mở đường). Đó là cô gái nuôi quân mà vũ khí đem theo chỉ là bếp lửa hồng bình dị song bát nước chè xanh, nắm cơm ngon đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng (Nổi lửa lên em). Đó là anh chiến sĩ lái xe băng mình qua bao gian lao, qua mưa bom bão đạn (Chào em cô gái Lam Hồng). Họ là những con người bình dị như những con người bình thường trên khắp nẻo đường đất nước. Họ cũng có tình yêu lứa đôi, tình yêu ấy khi âm thầm, khi cháy bỏng, lúc cách xa cũng nhớ thương da diết nhưng họ sẵn sàng gác lại tình riêng cho một tình cảm lớn lao và thiêng liêng: tình yêu Tổ quốc!

Đẹp hơn tất cả là ở ca từ. Lời ca được sử dụng rất đắt, rất hình ảnh: "Suối khe cạn bướm bay lèn đá", "hết rau rồi, anh có lấy măng không?", "Em đứng ở bên đường, vai áo bạc quàng súng trường", "Đường Trường Sơn ào ào lá đỏ", "Đoàn quân vẫn đi vội vã"… Những hình ảnh mới nghe tưởng như rất dung dị song sẽ rất lay động với những ai đã từng trải qua.

Cảm ơn các nhà thơ, nhạc sĩ - chiến sĩ, những người đã lăn lộn trên chiến trường, vừa cầm bút vừa cầm súng, cận kề với bom đạn, chết chóc để có thể viết được những ca từ xúc động đến vậy!

Chiến tranh đã lùi xa gần 30 năm. Với lớp trẻ ngày nay, chiến tranh là một cái gì đó xa lạ, mờ nhạt. Các em có nhiều bài hát mới với những nội dung mới đa dạng và phong phú, phản ảnh tâm tư tình cảm với nhiều góc độ khác nhau; ca từ nhạc điệu cũng có nhiều đổi khác, song dòng ca khúc cách mạng vẫn xứng đáng có vị trí lớn lao trong đời sống tình cảm dân tộc và có sức cuốn hút không chỉ với lớp người đã từng kinh qua chiến tranh mà cả thế hệ trẻ.

. Đinh Dũng Toản

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Thanh Lam & Hà Trần" hội ngộ  (28/04/2004)
Quên đi chuyện buồn  (26/04/2004)
Hạt giống tốt trên mảnh đất Phú Văn hiếu học  (23/04/2004)
Tuổi trẻ Bình Định với "Âm vang Điện Biên"   (21/04/2004)
"Tôi đã rất chịu khó và kiên nhẫn"   (16/04/2004)
Thanh niên ít chọn trường nghề   (16/04/2004)
Sinh viên Đại học Quy Nhơn: Tình nguyện hiến dâng sự sống   (15/04/2004)
Bạn tôi  (15/04/2004)
Nhìn lại "Tháng thanh niên"   (14/04/2004)
Quynhoncity.com - sân chơi ảo của giới trẻ Bình Định   (12/04/2004)
Giàn hoa thiên lý  (11/04/2004)
Những giai điệu hùng tráng viết về "Anh bộ đội Cụ Hồ"  (09/04/2004)
Hoan hô tinh thần tình nguyện!   (08/04/2004)
Kết thúc dự án y bác sĩ trẻ tình nguyện: Dấu ấn blu trắng  (07/04/2004)
Bạn trẻ với nghề thợ bạc  (06/04/2004)