Bạn trẻ với nghề thợ bạc
16:58', 6/4/ 2004 (GMT+7)

Suốt cả ngày T (trú tại Hoài Nhơn, xin được giấu tên) phải tiếp xúc với vô số vàng bạc, đá quý. Nhưng tối về nhà, T không một xu dính túi, lại ngửa tay xin mẹ vài chục ngàn để đổ xăng xe. Chưa hết, chỉ sau 3 năm trong nghề, di chứng để lại cho T là một cánh tay đầy những sẹo là sẹo và một con mắt bị kéo mây…

* Nghề làm đẹp cho thiên hạ

Tốt nghiệp PTTH, T thi vào đại học sư phạm nhưng bị trượt, chính trong lúc T đang buồn chán vì chuyện học tập thì mẹ khuyên: "Thôi đi con, ở quê mà ráng theo học chữ nghĩa mà làm gì? Bấy nhiêu đó đủ rồi, đi học nghề thợ bạc đi rồi tao lo cho ít vốn mở hiệu mà kiếm sống…". Chừng như thấy cậu con trai còn lưỡng lự, bà M, mẹ của T lý luận: Đấy con thấy, ra đường có ai là không đeo một chút vàng bạc trên người đâu, nó vừa làm đẹp cho bản thân họ vừa là thể hiện cái sự giàu sang, sung túc của gia đình, mà cả 2 thứ đó đời nào cũng cần cả, chỉ cần như vậy là nghề của con không bao giờ thất nghiệp rồi. Sau đó, mẹ T chọn hiệu vàng có tiếng nhất huyện, đưa cậu con trai đến học nghề.

Những ngày tháng đầu tiên học nghề, tất cả đám thợ trẻ được giao cho công việc đánh bóng các loại vàng bạc đã thành phẩm, rồi tiếp theo là "kéo" "dát mỏng" từ bạc, vàng cục thành sợi, thành lá. Khi đã bắt đầu quen tay, chủ hiệu cho những người học việc làm các loại nữ trang, từ dạng đơn giản đến phức tạp, nhưng chỉ làm những loại nữ trang bằng bạc chứ chưa được dụng đến vàng. Sở dĩ phải như vậy vì những thợ học nghề làm rất "hao vàng", chủ tiệm sẽ lỗ vốn nên họ chỉ cho làm bạc thôi. Chỉ sau một thời gian đầu, số người học đã "rơi rụng" dần. Có rất nhiều lý do để những người này khó có thể theo đuổi nghề "thợ bạc" như: không chịu nổi sự cẩn thận, tỷ mỷ mà công việc đòi hỏi, rồi không có khả năng thẩm mỹ.

* Sinh nghề… "bị thương" vì nghiệp

Sở dĩ tôi không dám nói "Sinh nghề tử nghiệp" bởi vì theo sự sự tìm hiểu của tôi thì chưa có ai chết vì làm thợ bạc, nhưng bị thương thì gần như là ai cũng bị. Trong đó, thậm chí có những trường hợp rất thương tâm, như trường hợp anh M, thợ bạc ở hiệu vàng Q.T, thuộc huyện Hoài Nhơn, trong lúc dùng "đèn khò" để làm vàng, bất ngờ bình đựng xăng phát nổ khiến đôi chân anh bị bỏng nặng đến mức phải vào bệnh viện lấy thịt từ đùi để đắp vào bắp chân. Hoặc như trường hợp của anh T bạn tôi. Trong lúc dùng axít để tẩy vàng, bất ngờ bị axít văng vào tay làm bỏng nặng. Rồi một lần khác, trong lúc "múc" chiếc cong cho khách, một mảnh bụi vàng đã bay vào mắt khiến cho con mắt của T bị "kéo mây" nhìn vật gì cũng thấy xốn xang khó chịu.

Một thợ bạc đã có hơn 10 năm trong nghề cho biết: "Tôi chưa thấy ai làm thợ mà tay chân không bị thương, ít nhất là bị sẹo, bị bỏng, thậm chí có nhiều người phải bỏ nghề…". Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu như chẳng có thợ bạc nào là có dụng cụ bảo hộ lao động. Có một điều mà họ không thèm quan tâm đến nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, đó chính là di chứng để lại cho phổi. Việc phải thường xuyên ngửi axít, nhất là axít nóng thì lại càng hại hơn.

Thông thường thì người đi học nghề thợ bạc đều có suy nghĩ ban đầu là: học về mở tiệm. Nhưng khi đã thạo nghề, họ được chủ hiệu giữ lại để làm công. Phần lớn họ đều gắn bó lâu dài với chủ hiệu, nhưng giữa họ và chủ chẳng có một hợp đồng hay một chế độ bảo hiểm nào cả. Đôi bên chỉ thỏa thuận miệng với nhau. Gặp những chủ hiệu có lương tâm thì khi thợ bị tai nạn, họ hỗ trợ tiền để lo thuốc thang, gặp những người thiếu lương tâm thì người thợ tự bỏ tiền túi ra mà chữa trị.

Dẫu sao, thợ bạc cũng là một nghề khá thu hút bạn trẻ, nếu cẩn thận và làm việc chăm chỉ thì bạn có thể sẽ lập nghiệp được bằng nghề này. Làm thợ giỏi vẫn sướng hơn làm "thầy" mà chịu cảnh thất nghiệp dài dài.

. Lưu Nguyễn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hướng dẫn viên du lịch: Tại sao không?   (05/04/2004)
Làm giàu trên đất khô cằn   (04/04/2004)
Có một "bà mụ" trẻ ở Vĩnh Hòa   (02/04/2004)
Chuyện kể từ Ngân hàng máu sống  (01/04/2004)
Bấp bênh giáo viên hợp đồng   (31/03/2004)
Hạnh phúc vô biên  (29/03/2004)
Sức trẻ Cát Lâm   (28/03/2004)
Tình yêu có từ nơi đâu?  (25/03/2004)
Trước thềm thi đại học năm 2004: Đừng nên trèo cao!   (24/03/2004)
Sinh viên sư phạm thất nghiệp do... thiếu thông tin  (23/03/2004)
Tiền dằn túi: một cách tập tính tiết kiệm cho bạn gái  (21/03/2004)
Luyện thi đại học - cần tỉnh táo  (19/03/2004)
Chọn đúng ngành học là quan trọng nhất   (18/03/2004)
Câu chuyện tháng 3   (17/03/2004)
Hoa bằng lăng   (16/03/2004)