Kết thúc dự án y bác sĩ trẻ tình nguyện: Dấu ấn blu trắng
16:54', 7/4/ 2004 (GMT+7)

Mới đó mà Dự án y bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn - miền núi Bình Định (2.2002-2.2004) đã đi đến đích thời gian cuối cùng. Bằng kiến thức, sức trẻ và lòng nhiệt tình, 2 năm qua, các y bác sĩ trẻ tình nguyện đã giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại 18 xã miền núi thuộc 5 huyện Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và Tây Sơn có nhiều khởi sắc.

* Đi dân nhớ, ở dân thương

Còn nhớ 2 năm trước, khi lên đường đến Vĩnh An (Tây Sơn), bé con của anh chị Nguyễn Văn Mười và Nguyễn Thị Kim Thảo mới ẵm ngửa. Còn giờ đây, bé đã 3 tuổi, biết cười nói bi bô và hơn hẳn ba mẹ khoản... ngoại ngữ. Anh Mười giải thích và không giấu được niềm vui: "Ở trên đó bà con rất quý các y bác sĩ tình nguyện. Con gái của chúng tôi thường chơi chung với trẻ con trong làng nên cháu được dạy cả những bài hát tiếng Bana".

Thanh niên tình nguyện đến với đồng bào xã An Trung (An Lão)

Với Đỗ Thị Hồng Diễm, 2 năm công tác tại trạm y tế xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) đã cho Diễm rất nhiều kinh nghiệm thực tế trong vai trò một nữ hộ sinh. Không những làm việc tại trạm y tế mà khi người dân có nhu cầu, Diễm sẵn sàng đến tận nhà để đỡ đẻ cho họ. Diễm còn khoe rằng ở Vĩnh Kim, Diễm đã kết thân với một người bạn gái, đó là Đinh Thị Nga. Khi rỗi rãi, Diễm hay cùng Nga đi rẫy, nhổ mì. Và những lúc Diễm có ca cấp cứu vào lúc đêm hôm thì Nga soi đèn pin giúp Diễm điều trị cho người bệnh. Nga còn giúp Diễm hiểu biết thêm về các phong tục tập quán của người dân địa phương để có cách ứng xử phù hợp. Thân thiết nhau thế nên mỗi lần Diễm về thăm nhà, Nga lại khóc. Còn Diễm, giữa đông đủ bạn bè tại Hội nghị tổng kết dự án, bạn thì thầm: "Mình đang nhớ trên đó!".

Còn Thái Thị Mỹ Cúc, tuy đã có gia đình và còn mẹ già đang ở quê (Cát Thắng - Phù Cát), nhưng vẫn khắc phục khó khăn để luôn hoàn thành tốt công việc của một nữ hộ sinh ở trạm y tế Vĩnh Hòa (Vĩnh Thạnh). Với Trần Thị Mỹ Hạnh, sự có mặt của bạn ở trạm y tế xã Canh Hòa (Vân Canh) đã giúp cho người dân ở đây bớt nỗi lo về chuyện sinh đẻ. Ngoài việc đỡ đẻ, hướng dẫn các bà mụ địa phương cùng làm, mỗi tháng 3 lần Hạnh còn tham gia sinh hoạt Đoàn tại các chi đoàn thôn.

* Y bác sĩ tình nguyện sẽ được tạo điều kiện về việc làm

Sau 2 năm công tác, 20 y bác sĩ trẻ tình nguyện đã tổ chức khám và điều trị tại trạm y tế xã cho hơn 23 ngàn lượt người, xử lý 96 ca cấp cứu, thường xuyên tổ chức chăm sóc sức khỏe cho 337 hộ gia đình chính sách, tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền vệ sinh phòng dịch, kế hoạch hóa gia đình, giúp củng cố 24 chi đoàn, chi hội, thu hút hơn 8.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội... Nhưng hiệu quả của dự án này không chỉ dừng lại ở các con số bệnh nhân được thăm khám, điều trị, các buổi tuyên truyền mà còn được khẳng định qua những kinh nghiệm mà các y bác sĩ trẻ có được, từ kinh nghiệm sống cho đến kinh nghiệm nghề nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao trình độ cho các cán bộ y tế địa phương.

Sau thời gian tham gia dự án, tất cả các y bác sĩ trẻ tình nguyện đều tha thiết mong muốn có được việc làm ổn định, phù hợp với chuyên môn. Nhưng ngoài chị Trần Thị Thi (làm việc tại trạm y tế xã An Dũng - An Lão) may mắn vừa xin được việc ở Bệnh viện Tâm thần Hoài Nhơn thì còn lại chưa y bác sĩ nào xin được việc làm. Còn nhớ lúc khởi động dự án, nhiều bạn nói rằng sau 2 năm phục vụ ở các xã miền núi, nếu địa phương có yêu cầu thì họ sẽ ở lại. Cứ ngỡ đó chỉ là lời nói trong lúc hứng khởi nhất thời, vậy mà đến giờ họ vẫn giữ nguyên quyết định ban đầu. Những Diễm, Hạnh, Thảo, Mười... đều muốn xin ở lại nơi cũ để tiếp tục công tác nhưng vẫn chưa biết kết quả. Trong khi chờ quyết định của cấp trên, hiện Hồng Diễm vẫn đang tiếp tục làm việc... không lương tại trạm y tế Vĩnh Kim. Còn Ngọc Dũng, Mỹ Cúc và một số bạn khác thì cũng đang xin việc tại các cơ quan y tế khác trong tỉnh.

Về việc này, ông Trương Kim Anh, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Sở Y tế Bình Định, khẳng định: "Chúng tôi thống nhất sẽ tạo điều kiện, sắp xếp và bố trí công việc theo nguyện vọng của anh chị em trong dự án. Với một số trạm y tế mà định biên đã đủ, Sở sẽ phối hợp với Tỉnh Đoàn để xem xét nhu cầu của các trạm khác và bố trí công việc cho các bạn. Ở các trạm còn lại, Sở sẽ làm việc với Sở Nội vụ để tăng thêm biên chế ở đây để nhận các y bác sĩ tình nguyện". Lời hứa của Sở Y tế Bình Định tại Hội nghị tổng kết dự án đã tăng niềm hy vọng cho nhiều y bác sĩ tình nguyện. Lời hứa này được thực hiện sẽ là một tiền lệ tốt cho nhiều "dự án" do thanh niên tham gia, trong đó có dự án trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn - miền núi sẽ triển khai tại Bình Định trong thời gian tới.

. Nguyên Sương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bạn trẻ với nghề thợ bạc  (06/04/2004)
Hướng dẫn viên du lịch: Tại sao không?   (05/04/2004)
Làm giàu trên đất khô cằn   (04/04/2004)
Có một "bà mụ" trẻ ở Vĩnh Hòa   (02/04/2004)
Chuyện kể từ Ngân hàng máu sống  (01/04/2004)
Bấp bênh giáo viên hợp đồng   (31/03/2004)
Hạnh phúc vô biên  (29/03/2004)
Sức trẻ Cát Lâm   (28/03/2004)
Tình yêu có từ nơi đâu?  (25/03/2004)
Trước thềm thi đại học năm 2004: Đừng nên trèo cao!   (24/03/2004)
Sinh viên sư phạm thất nghiệp do... thiếu thông tin  (23/03/2004)
Tiền dằn túi: một cách tập tính tiết kiệm cho bạn gái  (21/03/2004)
Luyện thi đại học - cần tỉnh táo  (19/03/2004)
Chọn đúng ngành học là quan trọng nhất   (18/03/2004)
Câu chuyện tháng 3   (17/03/2004)