Với tuổi trẻ Trường Đại học Quy Nhơn, ngày 4-4-2004 thật sự là cơ hội để tham gia vào một hoạt động tình nguyện rất có ý nghĩa - tình nguyện hiến máu nhân đạo. Và, đã có gần 400 SV đã tự nguyện đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo, đóng góp một phần sức trẻ để mang lại sự sống cho nhiều người khác.
* Ngày hội của tuổi trẻ
|
SV ĐHQN hiến máu nhân đạo |
Trường Đại học Quy Nhơn hôm ấy rộn ràng và sôi động hẳn lên bởi hàng loạt chương trình diễn ra cùng một lúc. Phía trước Hội trường A là hội nghị khoa học SV của các khoa, phía sân sau là giải bóng chuyền, bóng đá nam nữ… Vậy mà rất đông SV đã đến với lễ phát động hiến máu nhân đạo. Nhiều SV dù đang tham gia các hoạt động nói trên cũng cố tận dụng thời gian "xé rào", hào hứng xin giấy khám sức khỏe và chờ đến lượt mình được lấy máu.
Trước phòng văn hóa - thể thao của trường được dành riêng cho các y bác sĩ lấy máu, chúng tôi gặp bạn Hoàng Thị Hằng - SV khóa 25 khoa Địa lý trong trang phục thể thao đang hướng dẫn các "thủ tục" lấy máu cho cô bạn gái cùng lớp. Hằng diễn giải rành rọt vì bạn đã từng tham gia đợt hiến máu tình nguyện lần thứ nhất do trường tổ chức.
Cũng tại đây, chúng tôi được nghe sự "bực dọc" rất dễ thương của bạn Kiều Trang - SV khóa 25 khoa Tâm lý. Hỏi ra mới biết câu chuyện của bạn: "Đợt trước, mình đã đăng ký danh sách rồi nhưng đến phút cuối lại bị sốt nên lớp trưởng đã… cắt mất tên. Bây giờ thì mình quyết tâm lắm, nếu ngồi chờ lâu thế này lỡ đâu không còn thời gian lấy máu nữa thì sao?". Một trong những SV đang giữ kỷ lục cho máu 2 lần trong cùng năm học là bạn Thái Thị Nhàn (SV khóa 24 khoa Tâm lý) bộc bạch cùng chúng tôi: "Mọi sự được bắt đầu khi tụi mình vào bệnh viện thăm mẹ của một người bạn cùng lớp. Bác ấy bị thiếu máu trầm trọng, chỉ còn thoi thóp. Trong gang tấc ngắn ngủi giữa sự sống và cái chết, bác được cứu sống bởi được tiếp máu kịp thời từ những người tình nguyện. Từ đó, trong đầu mình nảy sinh một tình cảm rất lạ lẫm. Vì thế, ngay khi Đoàn trường phát động phong trào hiến máu tình nguyện lần đầu tiên mình đã tham gia. Mình nghĩ mình đủ sức để đóng góp một phần nhỏ bé của mình như những người khác đã làm". Chúng tôi còn được biết, Nhàn đã vượt qua sự ngăn cản của chị gái mình để đăng ký tham gia hiến máu lần hai dù bệnh tim từ nhỏ vẫn chưa được chữa khỏi.
Phòng lấy máu dù rộng nhưng cũng không đủ rộng cho các bạn vào. Vì thế, Đoàn trường đã huy động đội thanh niên xung kích của trường vừa tham gia giữ trật tự vòng ngoài, vừa chăm sóc các bạn sau khi cho máu. Và trong đội hình rặt một màu áo xanh tình nguyện ấy, bạn Nguyễn Thị Hoa (khoa Địa lý), gương mặt nhận học bổng Nguyễn Thái Bình, đã nổi trội lên bởi sự xông xáo và lòng nhiệt tình.
* Rất cần những hoạt động tình nguyện như thế !
Được chia sẻ với người bệnh, được thấy những giọt máu của mình hòa vào với cộng đồng là những suy nghĩ chung của tất cả các bạn trẻ trong đợt hiến máu này. Anh Lê Công Hạnh - Bí thư Đoàn trường cho biết: "Với các SV, trong 4 năm ngồi ở ghế nhà trường, ai cũng đều muốn tham gia ít nhất là một hoạt động có ý nghĩa. Trong kế hoạch được bàn với Hội Chữ thập đỏ và Tỉnh Đoàn, Đoàn trường sẽ triển khai một câu lạc bộ ngân hàng máu sống ngay trong trường để cho các bạn được hiến dâng bầu nhiệt huyết của mình".
Vâng, với cách làm này, tuổi trẻ trường Đại học Quy Nhơn sẽ được đem cuộc sống của mình hòa vào với cộng đồng. "Bây giờ mà cô có lấy của cháu thêm lần nữa cũng vẫn không sao!" - một bạn sinh viên vừa hiến máu đã nói vậy!
. Lê Thu Hiền |