Chúng tôi đã làm một cuộc phỏng vấn nhỏ với khoảng 20 học sinh cuối cấp chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Hầu hết các bạn đều chọn thi các trường đại học, cao đẳng. Đối với họ, trường nghề chỉ là sự lựa chọn cuối cùng…
* Thực tế: Thợ thiếu - thầy thừa
Các đoàn viên, thanh niên đặt câu hỏi về tình hình việc làm - lao động với các DN trong HCVL lần 1
Hàng năm Bình Định có khoảng 30 nghìn thí sinh thi vào các trường đại học, cao đẳng trong khi số thi vào các trường nghề rất ít. Thực tế cho thấy, thanh niên tốt nghiệp đại học và có thêm bằng vi tính, Anh văn vẫn bị thất nghiệp hoặc phải làm việc trái ngành. Trong khi đó, tại các cơ sở sản xuất tình trạng "cháy" thợ lành nghề vẫn đang diễn ra. Một giám đốc tại KCN Phú Tài than thở: "Những tưởng là người cần việc, hóa ra lại là việc cần người. Kiếm thợ lành nghề bây giờ vẫn khó". Tại Hội chợ việc làm năm 2003 do Bình Định tổ chức, nhiều DN rao tuyển thợ lành nghề bậc cao với mức lương khởi điểm 1-1,5 triệu đồng/tháng mà vẫn không tuyển đủ.
Kết quả điều tra lao động - việc làm hàng năm của ngành LĐ-TB&XH cho thấy, lao động trong độ tuổi chiếm tỉ lệ 55,1% tổng dân số trong tỉnh. Tuy nhiên số lao động qua đào tạo đang tham gia các hoạt động kinh tế mới chỉ đạt 17,87%, đặc biệt ở khu vực nông thôn tỷ lệ lao động qua đào tạo rất thấp: 13,12%.
Những năm qua, Bình Định đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa đào tạo nghề như dạy nghề miễn phí, có các chủ trương khuyến khích học nghề, mở các lớp tập huấn… nhằm nâng cao chất lượng lao động. Song trong quá trình thực hiện không phải không gặp những khó khăn. Ông Lê Hồng Khanh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên (thuộc Tỉnh Đoàn Bình Định) nhận xét: "Nhu cầu lập thân, lập nghiệp của thanh niên Bình Định rất lớn. Chủ trương, chính sách hỗ trợ học nghề của Nhà nước, của tỉnh đều có cả. Nhưng xem ra, kéo thanh niên đến học nghề vẫn còn quá khó. Đa phần chỉ thích làm việc thời vụ, không ham học nghề. Chẳng hạn như ở chỗ tôi, vận động tuyển được 14 học sinh dân tộc người Bana và Chăm vào học nghề nhưng giữa chừng đã có bốn người bỏ về quê".
* Dạy nghề: lực chưa đủ mạnh
Thanh niên chưa "mặn mà" với học nghề còn các cơ sở dạy nghề thì "lực" chưa đủ mạnh để "hút" thanh niên đến học đang là một thực tế. Đào tạo nghề là lĩnh vực khó, cần có sự đầu tư lớn về cơ sở và trang thiết bị dạy nghề, về giáo viên nhưng hiện nay Bình Định vẫn chưa đáp ứng được. Đội ngũ giáo viên ở các cơ sở dạy nghề trong tỉnh còn nhiều bất cập, chương trình giảng dạy chưa được chuẩn hóa.
Đội ngũ giáo viên, chương trình dạy nghề là vậy, còn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ở một số trường nghề, học sinh còn phải thực hành trên máy móc lạc hậu cách đây cả hơn nửa thế kỷ. Không ít học sinh sau khi đến trung tâm để học nghề thấy máy móc, thiết bị lạc hậu vừa thiếu lại vừa cũ nên nản, bỏ về không học nữa. Nhân, một học sinh đang học nghề điện cơ tại Trường Dạy nghề Bình Định, tâm sự: "Tôi học ở đây chủ yếu là lấy bằng, hiện nay tôi vẫn đi học ở ngoài, làm thêm ở ngoài thì mới mong thành nghề giỏi được". Nhiều Trung tâm dạy nghề dù muốn mở thêm các ngành nghề đào tạo khác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhưng do không có kinh phí nên chỉ dạy quanh đi quẩn lại các nghề như may, tin học, điện tử, điện dân dụng... Một cán bộ dạy nghề lâu năm nhận xét: "Nếu học chỉ 3 tháng, 6 tháng với điều kiện máy móc hạn chế, điều kiện thực tập ít như ở đây thì khó mà thành thạo".
Ông Võ Văn Lương, Trưởng phòng Đào tạo nghề của Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Hiện nay trang thiết bị dạy nghề ngắn hạn tại các huyện, vẫn tận dụng lại các trang thiết bị dùng cho dạy nghề hướng nghiệp dù được đầu tư thêm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Còn tại các trung tâm dạy nghề của các hội, đoàn thể còn thiếu rất nhiều vì chưa có điều kiện đầu tư. Những năm qua, kinh phí đầu tư các trang thiết bị chủ yếu vẫn từ trung ương rót xuống".
Nhằm khuyến khích xã hội hóa đào tạo nghề từ năm 2001, UBND tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ các DN từ 30-50% kinh phí để đào tạo nghề cho công nhân. Công nhân học lý thuyết và thực hành tại xưởng. Thế nhưng, bên cạnh các DN có thiện chí cũng có một số doanh nghiệp chỉ nhận tiền hỗ trợ của tỉnh rồi đào tạo một cách chiếu lệ. Năm 2003, gần 1.000 chỉ tiêu đào tạo nghề cho công nhân tại KCN Phú Tài đã không thể thực hiện được vì nhiều lý do.
* Làm gì để "kéo" thanh niên vào trường nghề?
"Để kéo thêm được nhiều thanh niên đến học nghề, chúng tôi đã tổ chức được một số cộng tác viên ở địa phương tuyên truyền, vận động cho thanh niên đi học nghề và đi xuất khẩu lao động", ông Lê Hồng Khanh cho biết. Mới đây, Trung tâm đã mở một lớp tập huấn về lao động - việc làm cho các cán bộ xã đoàn để họ về tuyên truyền các chính sách, chủ trương của tỉnh về học nghề, vận động thanh niên trong vùng đến trường nghề. Nhưng chỉ tuyên truyền, giáo dục không thì chưa đủ mà cần phải gắn đào tạo nghề với "đầu ra". Một số trung tâm dạy nghề trong tỉnh vẫn thu hút được nhiều học sinh đến học là vì giới thiệu được việc làm cho học viên sau khi học xong. Tại Công ty MC do gắn công tác đào tạo với "đầu ra", nên thời gian qua đã thu hút được rất nhiều học viên đến học dù học phí tương đối cao 1.500.000 đồng/khóa /3 tháng.
Ngoài ra, để xóa được tâm lý khoa bảng, bằng cấp còn khá nặng trong xã hội cần đẩy mạnh công việc giáo dục hướng nghiệp, đề cao tinh thần "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" trong giới trẻ.