Có nhiều con đường để đi đến thành công nếu như bạn quyết tâm tự tạo cho mình một cơ hội. Sau đây là tâm sự của một thợ tiện nay đã trở thành chủ một doanh nghiệp ăn nên làm ra - anh Nguyễn Xuân Dũng.
Tôi sinh năm 1970, trong một gia đình có 7 anh em ở Nhơn Mỹ, An Nhơn. Nhà tôi nghèo lắm. Ba má quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà vẫn không đủ nuôi anh chị em chúng tôi. Năm 1984, đang học lớp 10 tôi bỏ ngang vì gia đình quá khó khăn. Hè năm 1985, tôi xuống nhà chị ở Quy Nhơn chơi, tình cờ biết được Trung tâm dạy nghề Quy Nhơn (nay là Trường Dạy nghề Bình Định) có mở lớp dạy nghề tiện, sửa xe Hon da Ấy là khóa khai giảng đầu tiên. Tôi theo học điện gần một năm thì ra nghề.
Lúc đầu tôi làm cho xưởng nghề thuộc Liên đoàn địa chất 5 nhưng được một thời gian thì xưởng giải thể. Vậy là tôi bắt đầu ra làm thuê cho người khác. Những năm tháng đi làm thuê đã giúp tôi tích cóp được nhiều kinh nghiệm về nghề, cách ngoại giao, tìm kiếm bạn hàng. Những tưởng vận may đã mỉm cười khi tôi mua được một máy tiện trị giá 1,2 cây vàng nhưng chỉ phải trả trước một nửa đưa về quê mở xưởng. Nhưng tôi đã tính trật. Ở quê, lúc vào mùa thì làm sáng đêm, nhưng hết mùa thì máy cứ đắp chiếu nằm đó, tôi đành bán máy.
Năm 1992, tôi lại vào Quy Nhơn tiếp tục đi làm thuê. Lần này tôi làm với một thầy trong xưởng cơ khí - mộc ở Trường CNKT Quy Nhơn. Thời gian này các xưởng sản xuất gỗ tinh chế bắt đầu xuất hiện ở Quy Nhơn. Tôi sửa chữa về các máy tiện, máy phay, máy bào. Ky cóp mãi tôi cũng sắm lại được một chiếc máy tiện, vừa làm trong xưởng vừa thuê mặt bằng nhận làm thêm ở nhà. Hồi đó, các loại dao phay gỗ nhập từ Thái Lan, Đài Loan, hay ở trong TP Hồ Chí Minh giá rất cao. Thấy mình cũng có thể sản xuất được, vậy là tôi mày mò bắt chước làm theo, giá thành rẻ hơn một nửa. Thầy giúp tôi, giới thiệu cho một số khách hàng xem thử. Khách chấp nhận và đặt mua khá đông. Năm 1996 tôi bắt đầu ra làm riêng, vừa nhận sửa chữa máy móc, vừa nhận sản xuất hàng đặt. Từ đó tôi tích cóp mua được lô đất và một số máy tiện. Từ lưỡi dao phay gỗ đầu tiên tôi đã bắt chước làm ra một số loại máy khác phục vụ cho ngành chế biến gỗ như: máy cắt ngang, máy cắt dọc, máy phay hai đầu… Trên máy chỉ có in đơn giản địa chỉ: 60B đường Tây Sơn.
Hiện nay ở xưởng tôi có trên chục thợ làm, lương bình quân khoảng trên 1 triệu đồng/tháng. Căn nhà vừa làm nơi ở vừa làm nơi sản xuất giờ trở nên quá chật hẹp. Tháng 1 năm nay tôi mới thành lập Công ty TNHH Tiến Thành Lễ và đang xin đất để mở cơ sở sản xuất tại khu TTCN Quang Trung. Tổng trị giá nhà xưởng và máy móc ước chừng trên 1 tỉ đồng.
Tôi nhớ, khóa tiện tôi học có đến vài mươi người nhưng giờ trụ lại với nghề chỉ có 3. Gần hai mươi năm lăn lóc với nghề tôi chỉ biết nói ngắn gọn: phải thật chịu khó, kiên nhẫn với nghề và giữ chữ tín trong làm ăn thì mới trụ lại được.