Năm ấy, trường tôi tổ chức sinh hoạt hè với trường khuyết tật của tỉnh. Ngôi trường nằm khuất sau hàng dương rì rào cùng một hồ sen thơm ngát. Vừa mới đặt chân đến, tôi chợt có một cảm giác vô cùng thân quen khi nghe tiếng sáo trầm bổng đang vi vu trong gió, nhưng nghĩ mãi tôi vẫn không biết đấy là cảm giác gì. Do là ngày đầu tiên, tôi không tiện hỏi thăm xem tiếng sáo ấy của ai, nhưng nó đã khiến tôi nôn nao mong chờ ngày sinh hoạt tiếp theo để tìm cho ra ai có tiếng sáo hay như thế.
Rồi ngày chủ nhật mong đợi ấy cũng đến. Đón chúng tôi là hai hàng học sinh xếp hàng ngay ngắn chào từ cổng. Các em trong y phục chỉnh tề, háo hức chờ chúng tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên trong những năm sinh hoạt hè chúng tôi được tiếp đón chu đáo như thế. Các em đủ mọi lứa tuổi từ 5 đến 18. Có em bị mất một phần thân thể, có em không nói được, có em không nhìn thấy được..., nhưng các em làm chúng tôi vô cùng xúc động khi ai cũng lạc quan yêu đời. Tiếp xúc với các em, chúng tôi lại một phen ngỡ ngàng trước sự chững chạc trong lời ăn, tiếng nói của các em. Các em thương yêu nhau như anh em ruột thịt, sống chan hòa và luôn tràn đầy niềm tin vào cuộc sống. Tôi chợt cảm thấy yêu đời nhiều hơn rất nhiều khi gặp các em, và sự tò mò muốn biết về người thổi sáo càng cháy bỏng trong tôi.
Một em bị liệt cả hai chân đã nói với tôi: "Chúng em luôn nhìn về phía trước, chị ạ! Còn rất nhiều người không may hơn chúng em, phải không chị? Thầy bảo chúng em phải tự tin vì chúng em, vì ba mẹ. Ba mẹ đang đặt hết niềm tin vào chúng em, phải không chị?" Lời nói của em khiến tôi muốn gặp ngay thầy em. Té ra anh lớn hơn tôi chỉ 5 tuổi, từng là học sinh của trường. Nghị lực và tài năng của anh đã được trường quan tâm và đề nghị anh ở lại dạy dỗ cho những lớp đàn em kế tiếp. Hai mắt anh không còn nhìn thấy được sau một tai nạn năm anh lên 5, nhưng bù lại, thính giác anh rất nhạy.
Qua tiếp xúc với anh, tôi càng cảm thấy phục anh hơn bởi sự̣ chững chạc và nghiêm nghị - điều mà lũ bạn trai lóc chóc của tôi không bao giờ có được. Tôi càng bất ngờ hơn khi người thổi sáo hôm trước là anh. Khi tôi đề nghị được nghe lại khúc nhạc hôm trước, anh sẵn sàng thổi cho tôi nghe không ngần ngại. Tôi bắt đầu nhận ra cảm giác thân quen khi bước chân vào trường lần đầu tiên là do đâu. Ngày xưa, khi ông ngoại tôi còn sống, ngoại thích nhất thổi khúc phụng hoàng này. Những trò chơi dân dã cùng hình ảnh ngoại lần lượt trở về trong tôi. Bất giác, tôi rơi nước mắt vì nhớ ngoại. Không hiểu sao anh vẫn biết được. Anh cười, xoa đầu tôi: "Nín đi nhóc!". Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy hai má mình đang đỏ bừng lên vì một người khác phái ...
Từ ấy, cứ mỗi chiều chủ nhật, tôi lại háo hức đi sinh hoạt hè - điều mà ngay cả tôi cũng không ngờ đến vì năm đó là năm cuối cấp. Gặp các em và gặp anh đã trở thành một nhu cầu tình cảm của tôi. Tôi bảo anh sau này tôi sẽ về lại đây công tác. Anh cười hiền: "Cuộc đời không dễ dàng như em tưởng đâu em ạ! Sau này em còn nhiều ràng buộc lắm. Em có vượt qua nổi không? Nhưng biết được mơ ước của em, anh vui lắm. Cố lên em nhé!" Lúc ấy, tôi vô tư lắm nên không hiểu hết những gì anh muốn nói.
Thấm thoát, thời gian sinh hoạt hè cũng hết. Đêm ấy, trường tổ chức tiệc chia tay. Chúng tôi quây quần thành vòng tròn trước sân, đốt những ngọn nến thay cho lửa trại. Không biết tình cờ hay hữu ý, anh đến ngồi kế tôi. Trăng sáng vằng vặc soi rõ từng khuôn mặt thân quen. Tôi chuyền cho anh cây nến đang cháy. Anh thổi tắt ngay. Tôi ngạc nhiên, anh hỏi: "Đố Minh tại sao anh lại thổi tắt nến? Anh mong anh sẽ giữ lại được tình bạn giữa anh và Minh. Bao nhiêu người đến đây, hứa sẽ trở lại, nhưng cuối cùng vì một lý do nào đó, họ không thể ghé thăm trường, dù chỉ một lần... Nếu để nến nó cháy hết nó sẽ lụi tàn. Anh không muốn tình bạn giữa anh và Minh sẽ như thế." Tôi cười bảo anh: "Em hứa mà!" Lúc ấy, khuôn mặt anh như sáng hơn. Anh nắm chặt tay tôi và bảo: "Em đã hứa với anh rồi nhé!".
Đó là đợt sinh hoạt hè cuối cùng của đời học sinh chúng tôi. Tôi nhận giấy báo trúng tuyển vào một trường đại học ở thành phố. Tôi chạy ngay xuống trường báo tin cho anh hay, không ngờ anh đã chuyển công tác về quê anh - một tỉnh miền Trung. Tôi thất vọng, hụt hẫng như đã đánh mất một cái gì đó. Cô hiệu phó trao cho tôi cây sáo cùng bức thư: "Lâm nhắn em ráng học, đừng buồn vì Lâm." Anh viết : "Em hãy cố gắng theo đuổi ưóc mơ của mình. Anh tin rằng em sẽ làm được điều đó. Cố lên em nhé! Bốn năm sau anh sẽ trở lại trường thăm em. Nếu gặp em ở đó, anh vui lắm!" Không một dòng địa chỉ cho tôi...
Rồi năm năm trôi qua. Tốt nghiệp lọai khá, tôi nhanh chóng kiếm được một việc làm phù hợp trong thành phố nên không trở về quê như đã hẹn với anh. Những lần về thăm quê ít ỏi, tôi hay đến thăm trường, nhưng tôi không dám vào. Vẫn hàng dương rì rào trong gió, vẫn hồ sen thơm ngát, vẫn đâu đây khúc phụng hoàng anh hay thổi tôi nghe... nhưng tôi không còn là tôi của ngày xưa nữa. Tôi sợ anh sẽ nhận ra được những thay đổi nơi tôi. Tôi sợ trực giác của anh. Chỉ có mình anh biết được ước muốn hồi xưa của tôi, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy nợ trường lời hứa trở lại. Tôi có quá nhiều trách nhiệm phải lo, không chỉ cho riêng tôi mà còn cho cả những người thân của tôi, nên tôi không thể như anh được, dầu tôi rất muốn. Không biết anh có thông cảm được cho tôi không? Cầm ống sáo trên tay, bất giác tôi lại thổi khúc phụng hoàng...
. Thanh Minh
(TPHCM) |