Canh tập tàng
10:56', 13/5/ 2004 (GMT+7)

Mười năm về trước, nhà tôi còn nghèo lắm. Sáng sớm, khi bọn tôi còn nằm cuộn trong tấm chăn mỏng tanh thì ba mẹ tôi đã lục đục dậy, chuẩn bị cho một ngày lao động vất vả. Thường thì mẹ sẽ chiên mớ cơm nguội còn lại từ tối qua làm bữa ăn sáng cho cả nhà. Tuy chưa thức hẳn nhưng chúng tôi vẫn nghe tiếng ba mẹ bàn công chuyện. Cũng chỉ quẩn quanh chuyện lúa má, mùa màng, chuyện giá cả đắt đỏ, chuyện tiền nong… Nghe riết rồi quen, hôm nào ba mẹ không trò chuyện thì thấy thiếu vắng cái gì đó thường nhật.

Khi mặt trời gần ló dạng, hai chị em tôi tung tăng tới trường với cái bụng no căng. Đường dài hơn hai cây số, ấy vậy mà hai đứa đi không biết mệt, chân mang đôi dép Lào đã mòn gót, bước thoăn thoắt, vừa đi vừa cười rôm rả. Cùng đi với chị em tôi có thêm dăm đứa cùng xóm, có đứa vừa đi vừa học bài trông ngoan lắm. Ai cũng hớn hở, cũng có vẻ mặt vô tư. Nhiều lúc tôi nghĩ có lẽ người lớn đã mang hết những khắc khổ, những lo lắng trăn trở để trên những nếp nhăn để nhường cho chúng tôi nụ cười, niềm vui trong cuộc sống.

Dù gì đi nữa, trong cái đầu được che phủ bởi mái tóc vàng khét nắng của tụi tui thì… sống như thế là tuyệt. Này nhé, sáng thì đến trường, trưa tắm sông, chăn trâu, chiều kéo nhau đi thả diều, đánh trổng, đá dế… Tiếng cười trong trẻo, tinh nghịch của bọn tôi lúc nào cũng vang vọng cả thôn xóm.

Dọc hai bên con đường dẫn vào xóm tôi có hai hàng dây leo chằng chịt. Dây mồng tơi với những quả nhỏ xíu màu tím quyện vào dây bình bát, bìm bìm. Tất cả đều cố rướn mình, quấn quanh hàng rào vông vang thành những hình thù kỳ quái. Ấy thế mà đó lại là thức ăn của những người trong xóm (đương nhiên là có cả gia đình tôi). Cứ ít hôm lại thấy chị Út con bác Ba đầu ngõ ra ngắt từng đọt vông, từng lá bình bát, mồng tơi về nấu canh ăn cho mát. Chúng tôi gọi đó là canh tập tàng (nghĩa là đủ thứ nấu chung với nhau).

Tôi thích mẹ nấu món canh này lắm. Không cần thịt, cũng chẳng cần tôm tép. Chỉ có vài tép tỏi, ít mỡ phi nấu chung với rau là đã có nồi canh cho cả nhà, không tốn một xu. Ngày nào có canh tập tàng, chị em tôi ăn cơm nhiều hơn thường lệ. Bữa cơm đơn sơ, bình dị mà thấy ngon không gì so sánh được.

Vài năm sau, gia đình tôi khá hơn đôi chút. Ba mẹ tôi mua hẳn căn nhà mặt tiền, nằm sát chợ. Con đường trước ngõ lúc nào cũng ồn ào xe chạy, bụi bay mù mịt. Nhiều lúc nhớ quá, tôi rủ thằng em đạp xe về xóm cũ, cùng bọn trẻ chơi đánh trận giả, tắm sông, bắn bi, thả diều. Hễ đi ngang qua hàng rào vông vang, nhìn những ngọn dây leo tươi xanh mơn mởn là tôi lại thấy thèm món canh ngày nào. Tôi lại tưởng tượng đến món canh đu đủ nấu với thịt, món canh chua có nguyên con cá lóc to đùng thường ăn mà ngao ngán. Không ít lần tôi đi chơi về mang theo cả bị rau vừa hái được cho mẹ nấu canh, ăn vào cũng đỡ nhớ.

Mười năm trôi qua, tôi giờ đã thành cô sinh viên đại học. Mẹ thường bồi dưỡng, nhắc nhở tôi từng tí trong việc ăn uống, cứ sợ tôi bị bệnh. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi món canh tập tàng ngày nào mẹ nấu, nhớ cọng rau xanh mướt, thơm tho được hái từ hàng rào vông vang đầu ngõ.

. Ngọc Phương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tạo thêm cơ hội việc làm cho thanh niên xuất ngũ   (11/05/2004)
Những điều không thể quên trong cuộc sống   (10/05/2004)
Một việc nhỏ   (07/05/2004)
Còn mãi những kỷ niệm   (07/05/2004)
Học nghề điện, nghiệp vụ nhà hàng tại Trung tâm DN-GTVL thanh niên   (06/05/2004)
Chuyện ghi từ Xã Đoàn Nhơn Hải   (06/05/2004)
"Nó cũng thường thôi"   (06/05/2004)
Khúc phụng hoàng  (02/05/2004)
Những bài ca của một thời đáng nhớ  (30/04/2004)
"Thanh Lam & Hà Trần" hội ngộ  (28/04/2004)
Quên đi chuyện buồn  (26/04/2004)
Hạt giống tốt trên mảnh đất Phú Văn hiếu học  (23/04/2004)
Tuổi trẻ Bình Định với "Âm vang Điện Biên"   (21/04/2004)
"Tôi đã rất chịu khó và kiên nhẫn"   (16/04/2004)
Thanh niên ít chọn trường nghề   (16/04/2004)