Viết tiếp tản mạn Quy Nhơn
17:7', 3/6/ 2004 (GMT+7)

LTS: Sau khi Bình Định điện tử đăng bài "Tản mạn Quy Nhơn" của bạn Trần Thị Huyền, sinh viên Khoa Văn (khóa 25, Đại học Quy Nhơn), tòa soạn đã nhận được thêm một bài viết… tản mạn Quy Nhơn với những cảm xúc khác. Xin giới thiệu cùng các bạn bài "tản mạn…" mới này và mong các bạn tiếp tục "tản mạn về Quy Nhơn", một "làng phố" theo cách gọi của một số bạn, với những cảm xúc riêng của mỗi người.

Quy Nhơn như bạn tôi nói, nó không chỉ đáng yêu như một "làng phố", nơi những món chè đầy chất "nhớ", với những con đường thơm ngát hoa sữa, hoa giấy, mà nó còn có nhiều điểm "ăn chơi" rất nghệ sĩ. Rất nhiều lần tôi và một người bạn lang thang khắp Quy Nhơn trên hai con ngựa... sắt, và điểm dừng chân thường xuyên của chúng tôi là một cái tên nghe rất "ngạt". Đó là "Eo nín thở". Ngay từ lúc mới nghe cái tên này, tôi thắc mắc vì sao lại gọi là "Eo nín thở". Một số người nói là do trước kia, đây là điểm giao dịch cá, cho nên có mùi khó chịu phải nín thở mỗi khi ngang qua.

Thế mà cái tên này đã đánh lừa không ít người, bởi nó còn là nơi hò hẹn thường xuyên của những đôi nam nữ. Đến đây, ai cũng có thể thấy khu này chia làm hai nửa, một nửa say đắm và một nửa say... bí tỉ. Đến với nửa lãng mạn, nếu không nghe được tiếng thì thầm của sóng đòi hôn bờ cát, không ngắm nhìn dãy đèn lấp lánh xa xa khêu gợi, đùa cợt loang loáng trên mặt biển, không ngắm ánh trăng nhấp nhô cười và lởn vởn với ngọn hải đăng thì ít nhất chúng ta cũng cởi bỏ đi một điều gì đó rất nhẹ nhàng. Bên cạnh nửa ấy, gần phía bùng binh là nửa của "dân nhậu". Họ là những bác xích lô lúc tan tầm, là mấy chàng sinh viên "nghiện nhậu", là mấy kẻ chán đời, và cả những đấng "quân tử" đi "liên hoan"...

Tôi thường đùa với bạn tôi đây là "trại nhậu". Vừa bước đến, chúng ta dễ dàng bị quyến rũ bởi mùi "cháo hành" thơm phức, mùi "lòng nướng" đang độ chín đỏ vàng. Và chúng ta cũng không ngạc nhiên khi có vài "hội" lảo đảo giải tán vừa thỏa mãn, vừa hợm nhau mấy tiếng rất "đã đời ông địa". Dường như ai vào "trại" cũng với mục đích "nhậu" nên "chủ trại" không cần hỏi han gì cả, mà cứ cầm đến 1 "xị" và 2 cái bánh tráng rồi hỏi: "Anh (chú, bác) nhậu món gì?". Cứ thế lần nữa, hết xị đến lít, hết anh em đến mày tao.

Rời "chất men" eo nín thở, chúng ta đến với đường Ngô Mây. Suốt dọc đường, ai cũng dễ dàng bắt gặp hàng chục quán cà phê dành cho nam với những bộ phim đầy "bạo lực". Có kẻ đến vì thích xem phim, có kẻ đến vì lời mời, có kẻ đến giải trí và có cả mấy người đến chỉ để tán tỉnh mấy cô bé phục vụ. Phải công nhận cà phê ở đây vừa rẻ, lại cũng ngon ra phết. Có những quán pha cà phê rất đặc biệt. Họ mang cà phê và nước nóng ra cho khách tự pha. Nhìn từng giọt đắng rơi lúp búp mà tôi có lần suýt mê mẩn bởi sự gợi cảm của nó. Giá của 1 ly cà phê đen cũng khá rẻ, chỉ cần 2.000đ là có thể ngồi mấy tiếng đồng hồ. Có lẽ vừa rẻ vừa phục vụ rất chu đáo nên hầu như đêm nào các quán cũng chật ních những khách hàng roai roai, khách hàng sinh viên...

Rời chỗ "ăn chơi", chúng ta có thể theo đường An Dương Vương đến một địa điểm khác. Nơi mà nhiều người bảo "chưa đến đấy cũng như chưa đến Quy Nhơn". Đó là mộ Hàn Mặc Tử. Có những bạn đến vì câu nói trên, có bạn đến vì tò mò, có bạn đến vì yêu thơ Hàn Mặc Tử. Lên một bậc, ta có thể thấy mộ Hàn Mặc Tử phảng phất khói hương, vẻ rất thanh u nhưng chứa đầy chất "thiêng" của người quá cố. Lên bậc nữa, lập tức chúng ta sẽ gặp một gian bày các bài thơ bằng bút lửa của Vũ Kha, đến bên bàn thờ nhà thơ, rất nhiều người xúc động thắp nén nhang thơm mùi trầm. Phía bên phải gian hàng là một khu trưng bày các bức tranh ảnh và tư liệu về Hàn Mặc Tử. Ra về, hẳn chẳng mấy ai không hẹn ước với lòng mình: Sẽ có ngày trở lại đây.

Quy Nhơn lãng mạn, đi mãi ta mới nhận ra điều gì đó rất đáng nhớ. Có thể một lúc nào đó, bạn đọc được bài viết này, bạn sẽ viết tiếp một phần nữa về Quy Nhơn.

. Nguyễn Luận

(Văn SP K.25)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tuổi trẻ Bình Định vào mùa "chiến dịch"  (03/06/2004)
Tản mạn Quy Nhơn  (02/06/2004)
Chuyện của bạn Nghệ   (31/05/2004)
Hoàn cảnh ra đời bài hát "Nhanh bước nhanh nhi đồng"   (31/05/2004)
Hãy tìm lại những mùa hè say đắm cho tuổi thơ   (28/05/2004)
Minh Tuấn - "Người thắp lửa Tây Nguyên" trên đất Bình Định  (28/05/2004)
Người biết "đi tắt đón đầu"  (27/05/2004)
Ghi nhận từ Cuộc thi tìm hiểu "Âm vang Điện Biên": Tự hào Điện Biên   (26/05/2004)
Thuyền buồm hoa giấy   (24/05/2004)
Những ngôi sao nhỏ   (21/05/2004)
Web học trò  (20/05/2004)
Mẹ ơi, hãy quên đi chuyện cũ  (16/05/2004)
Mẹ ơi, hãy quên đi chuyện cũ  (16/05/2004)
3 gương mặt đoạt giải Olympic toán học sinh viên toàn quốc lần thứ 12   (14/05/2004)
Yêu sớm có phải là mốt không?   (13/05/2004)