Sinh viên thì thường rất… vô tư. Nếu hết tiền chi tiêu mà gia đình chưa kịp gởi lên thì họ vẫn sẵn sàng chịu "chơi", vét sạch túi mua hoa tặng người yêu, đi sinh nhật… vì họ đã quen với một từ "nợ". Họ "nợ" đến khi có chi viện của gia đình, họ lại trả và lại "nợ" khi hết tiền, một vòng xoay không ngừng.
Bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng hoặc trường nghề, đa số các bạn sinh viên đều phải sống xa nhà, tự điều chỉnh mọi hoạt động cuộc sống với nhiều nỗi lo toan. Thành phố có nhiều thứ đắt đỏ hơn ở thôn quê, đã vậy, khi rời gia đình cái gì cũng cần đến tiền: tiền học phí, tiền cơm tháng, sách vở, chi tiêu lặt vặt… Vậy họ phải làm sao? Bạn Nguyễn Thành Nam đang học năm 2 khoa Toán, trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định, tâm sự: "Mỗi lần nhận tiền của cha mẹ gởi lên, trả mọi chi phí như tiền trọ, tiền ăn cơm tháng đã thấy hết hơn 60%, chưa kể nặng "đô" nhất là khoản chi phí không tên nên nhiều lúc gặp "chuyện" là phải "nợ" hoài thôi".
Quanh trường học nào cũng đầy rẫy quán ăn, cửa hàng quần áo thời trang, điện tử, internet… Một số bạn nữ thường nhịn ăn để sắm đồ cho bằng chị bằng em; không ít bạn nam có thói quen sáng cà phê, chiều bida, tối lại cà phê… nên chẳng bao lâu tiền đã hết nhẵn. Đầu tháng thì mọi chuyện có vẻ ổn cả, nhiều người cần gì thì mua nấy, thèm gì thì ăn nấy nhưng đến khoảng gần cuối tháng thì "cháy túi". Quen thân thì mượn bạn bè nhưng khi chẳng còn ai để mượn thì sao? Bạn N.L.T - lớp A1 K24 khoa Địa Lý - Đại học Quy Nhơn, cho biết: "Mình đành về quê sớm hơn thường lệ và cố nghĩ cho ra một lý do chính đáng nào đó để xin tiền cha mẹ trước thời hạn". Thế nhưng, nhiều bạn có nhà ở các tỉnh xa như Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Thuận… thì không thể về thường xuyên, họ đành phải cắm quán chờ viện trợ. "Cắm quán" ở đây có nhiều cách khác nhau như: nợ các chủ quán cơm ở gần chỗ trọ, người dễ thì… nợ miệng, người khó thì để lại giấy CMND, thẻ sinh viên; không thể "nợ" thì đành gởi lại chiếc đồng hồ, xe đạp hoặc bất cứ thứ gì có giá trị.
Có cầu ắt có cung. Tại Quy Nhơn, nhiều chủ tiệm đã cho phép sinh viên mua nợ. Cô Năm Nhàn - chủ quán cơm ở đường Nguyễn Nhạc - cho biết: "Nhiều lúc buôn bán mà không cho nợ cũng rất khó. Trước đây, có rất nhiều sinh viên "chạy làng" nên giờ tôi chỉ dám cho nợ từ 20.000 đồng trở xuống cho một số người quen mà thôi".
Hiện nay, "nợ" đang trở thành thói quen của nhiều bạn sinh viên, họ không chỉ nợ các quán mà còn nợ môn học ở trường, nợ quỹ đoàn, lớp… Chính vì vậy mà mùa thi tốt nghiệp vừa qua, không ít bạn đang ngậm ngùi không biết phải nói sao với người thân về khoản "nợ"… tấm bằng tốt nghiệp.
. Hải Yến
|