Công đầu của đội biệt động Chi đoàn Trần Văn Ơn
16:37', 7/7/ 2004 (GMT+7)

Khí thế tiến công và nổi dậy của quân và dân Bình Định trong các năm 1970, 1971 phát triển mạnh mẽ đã phá vỡ kế hoạch bình định nông thôn của địch, khiến chúng phải kêu lên: "Tỉnh Bình Định là một dinh lũy của cộng sản, đứng về góc độ "bình định" tỉnh này được xếp vào hàng thứ 44 trong số 44 tỉnh ở miền Nam."

Thế nhưng tên Nguyễn Văn Chức vừa được chính quyền Thiệu bổ về làm Tỉnh trưởng Bình Định (thay tỉnh trưởng cũ bị cách chức) đã triển khai chống cộng triệt để. Chức huyênh hoang gian ác: trong vòng 18 tháng sẽ truy tróc không còn một bóng ma cộng sản (!?).

Sau khi nhận chức, tên Chức nghĩ ra kế tổ chức "đêm không ngủ" tại sân vận động Quy Nhơn, để ra mắt thị uy và thành lập lực lượng thanh niên của chúng theo tinh thần "Nếu ai nắm được lực lượng thanh niên học sinh là người đó thắng".

Đội biệt động Chi đoàn Trần Văn Ơn vừa được thành lập đầu tháng 1-1972, do chị Huỳnh Thị Ngọc, Thị ủy viên, Bí thư Thị đoàn Quy Nhơn trực tiếp phụ trách. Khi nhận được tin trên từ cơ sở, chị Ngọc đã hội ý chớp nhoáng toàn đội. Lòng sục sôi căm thù tên tỉnh trưởng gian ác cùng với tư tưởng tiến công cách mạng "nói thẳng làm tới", toàn đội đã nhất trí "quyết tâm đánh phủ đầu tên Chức!".

11 giờ trưa một ngày cuối tháng 1 (trước Tết âm lịch), sau khi lên được một phương án đánh, chị Ngọc ra căn cứ ở Hưng Thạnh báo báo Thường trực Thị ủy, xin ý kiến. Chị Tần nghe xong nói: "Các em chú ý làm sao để bảo toàn lực lượng!".

Với quyết tâm bằng bất cứ giá nào cũng phải đánh phủ đầu tên Chức, chị Ngọc xin tổ chức hai kíp nổ định giờ nhưng không có, hiện "kho" chỉ còn có hai quả lựu đạn. Biết đánh bằng lựu đạn là táo bạo lắm, khó bảo toàn lực lượng, nhưng không có kíp nổ, làm sao? Máu trong người như sôi lên, Ngọc ứa nước mắt khi nhớ đến những cánh tay trong đội giơ cao, hừng hực tinh thần quyết đánh. Không đợi chờ nữa, Ngọc đồng ý sẽ nhận hai quả lựu đạn rồi tức tốc vào thành vì đã hẹn toàn đội 3 giờ chiều tập trung nhận lệnh. Đúng 3 giờ chiều đồng chí Vũ Hoàng Hà được phân công ra trạm thơ mật tại Chợ Lớn nhận vũ khí do giao liên đưa đến mang về nhà trọ cô Bảy. Lúc có vũ khí trong tay, lòng Ngọc bỗng thấy băn khoăn. Nhìn những khuôn mặt măng tơ của những chàng trai mới lớn như em ruột của mình, lòng chị sao thương cảm lạ lùng. Trận đánh này là ác liệt, nếu có bề gì... và lỡ sa vào tay giặc, liệu các em có chịu nổi đòn roi tra tấn hiểm ác của quân thù?

Hiểu được tâm sự của Ngọc và cũng hiểu được ý nhau, các đội viên của đội biệt động lại một lần nữa nắm tay nhau giơ cao: quyết đánh! Và lệnh được chốt lại: 5 đồng chí: Hà, Thắng, Xuân, Quốc, Trong - đúng 7 giờ tối tập kết trong sân vận động nhận lệnh chiến đấu!

Tối hôm đó Nguyễn Văn Chức tổ chức mít tinh ra mắt và thực hiện kế hoạch "đêm không ngủ" nhằm khuyếch trương thanh thế chính quyền ngụy và lôi kéo lực lượng thanh niên học sinh. Tại sân vận động Quy Nhơn, lực lượng bảo vệ canh gác của địch vòng trong vòng ngoài dày đặc.

Gặp Ngọc trước cổng sân vận động, Vũ Tất Thắng cười nói: "Đến giờ đó nghe tiếng nổ ở sân vận động thì chị cười lên nghen". Ngọc cũng cười và gật gật đầu. Thắng đâu có biết rằng chị Ngọc cũng cùng vào với các em. Nói rồi, Thắng với quả lựu đạn dấu trong người trà trộn vào đoàn học sinh, thoắt cái đã biến mất sau cánh cổng trước những cặp mắt cú vọ của đám lính bảo an, dân vệ, quân cảnh... Ngọc thở nhẹ cúi xuống nhìn qua bộ trang phục áo dài trắng nữ sinh của mình cùng với quyển vở trong tay, chị bước nhanh tới khoác tay một nữ sinh không quen biết, nhập vào hàng ngũ của một trường nào đó, rồi nghiêng đầu giả đò nói chuyện và... nín thở đi qua cổng.

Đúng 7 giờ tối, gặp Thắng vừa hỏi "Hà đâu" thì Ngọc đã nhìn thấy Hà đứng cách đó khoảng trăm mét. Thấy các thành viên đã có mặt đầy đủ trong sân vận động, Ngọc xúc động làm sao khi bên tai vẫn văng vẳng lời thề: "Sống cùng sống, chết cùng chết!".

Ngọc quan sát khắp sân vận động: bọn chỉ huy, lực lượng địch ở trên khán đài; phía dưới chúng bố trí các em học sinh đốt lửa trại. Rất khó đánh. Nếu ném lựu đạn lên trên khán đài, lực lượng bảo vệ sẽ nhanh tay lượm quăng xuống, sẽ thiệt hại các em. Vả lại ở trên chúng sẽ dễ phát hiện vị trí người ném lựu đạn, rất nguy hiểm. Phương án này không được! Phải tính phương án khác...

Địch tổ chức "đêm không ngủ" để tuyên truyền chống cộng sản thì đội biệt động cũng quyết" không ngủ" chờ thời cơ đánh chúng bằng được. Thời gian nặng nề trôi qua. Tên Chức đã kết thúc bài diễn thuyết và rời bục nói chuyện cùng đám tùy tùng đi xuống. Tỉnh trưởng đi trước, tỉnh phó và mấy tên khác nối đuôi nhau xuống phía đống lửa trại. Ngọc nín thở, bấm nhẹ vào tay đồng chí bên cạnh làm ám hiệu, lập tức đội hình được triển khai: Thắng đứng giữa, Hà cao lớn đứng chắn phía trước, ba đồng chí khác án ngữ ba phía còn lại. Khi tên tỉnh trưởng đi gần tới đống lửa trại, Thắng rút chốt lựu đạn nhoài người ra lia vào chân tỉnh trưởng, Hà liền ập người vào che Thắng và kéo Thắng rút chạy. Tất cả diễn ra trong nháy mắt. Ngọc vừa kịp nhìn thấy tên thiếu úy Linh (bảo vệ tên tỉnh trưởng) ôm tỉnh trưởng quăng sang một bên thì tiếng nổ lựu đạn ầm vang lên. Sân vận động nhốn nháo, học sinh kéo nhau bỏ chạy tán loạn. Tiếng la hét vang trời. Lúc đó Ngọc còn nằm ngay hiện trường - như một người bị ngã - cố xem tên tỉnh trưởng có chết không.

Xe GMC tiến vào. Tên tỉnh trưởng nằm dưới tên thiếu úy Linh nằm trên chết cùng mấy xác chết gần kề.

Đêm đó, địch lùng sục cả đêm. Nằm dưới gầm giường nhà hộ sinh của cô Xuân người đau ê ẩm vì bị giẫm đạp, Ngọc không tài nào nhắm mắt được. Mờ sáng, Ngọc đã lần đến nhà trọ và thấy không còn nỗi vui sướng nào hơn khi gặp lại nhau đầy đủ, an toàn. Mừng quá, chị em ôm nhau, nghẹn lời, nước mắt chảy ròng.

Trận ấy, địch chết bảy tên trong đó có Tỉnh phó, Trưởng ty Thanh niên, Quận trưởng quận Bình Khê, Trưởng ty Chiến tranh tâm lý và bị thương ba. Tên tỉnh trưởng hú hồn thoát chết nhờ cận vệ nhưng cũng bị thương đầu, vai và chân... Trận đánh đã phá vỡ buổi ra mắt, làm rung chuyển bộ đầu não của ngụy quyền tỉnh Bình Định. Theo kế hoạch, sau "đêm không ngủ" ở Quy Nhơn tên Chức sẽ ra mắt toàn tỉnh bằng một đoàn xe diễu hành thị uy xuất phát từ Quy Nhơn ra đến Phù Cát, nhưng kế hoạch đã thất bại hoàn toàn.

Với chiến công đánh phủ đầu tỉnh trưởng ngụy, Chi đoàn Trần Văn Ơn được tuyên dương thành tích và được thưởng Huân chương Giải phóng hạng hai. Trận đánh được đánh giá cao, gây được tiếng vang làm rúng động bộ đầu não của ngụy quyền Bình Định; có ý nghĩa to lớn là trận mở màn cho chiến dịch tiến công tổng hợp Xuân-Hè 1972 của quân và dân toàn tỉnh.

. Xuân Mai

(Theo lời kể của Anh hùng LLVT Huỳnh Thị Ngọc)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Áo thun mùa hè: Trẻ trung, hiện đại  (06/07/2004)
Trang phục nơi công sở - để tự tin hơn  (02/07/2004)
Mệt mà vui !   (01/07/2004)
Sát cánh cùng thí sinh   (01/07/2004)
Nhạc trẻ và hiện tượng "ăn theo" những dòng nhạc  (30/06/2004)
Mua ba lô, va li du lịch  (29/06/2004)
"Hoa mồ côi" trên giảng đường đại học   (27/06/2004)
"Những cô gái chân dài" bước dài đến thành công   (25/06/2004)
Hội thi "Thanh niên nông thôn giỏi nghề nông": Sôi động, thiết thực và bổ ích   (24/06/2004)
Trường Quốc Học: Điểm sáng trong giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên   (23/06/2004)
Thơ sinh viên  (21/06/2004)
Em chở mùa hè đi đâu  (18/06/2004)
Sinh viên với từ "nợ"   (18/06/2004)
Tiếp sức mùa thi - Đến hẹn lại lên   (17/06/2004)
Tô màu cho hoạt động Hội  (17/06/2004)