Nghề của "con mắt xanh"
11:26', 12/7/ 2004 (GMT+7)

Với sự hỗ trợ của các phần mềm, họ có thể tạo một bức ảnh không gian ba chiều trên máy tính, thiết kế một mẫu bìa sách, biến một tấm ảnh chụp trong nhà thành tấm ảnh chụp ngoài trời với cây cối, trăng sao, chim chóc… Công việc thú vị đó là của các kỹ thuật viên đồ họa vi tính (KTV ĐHVT).

* ĐHVT - 3 trong 1

Nghề KTV ĐHVT được chia ra thành 3 nhánh tương ứng với 3 loại công việc khác nhau: chế bản tách màu, chế bản giấy can và chỉnh sửa, phục hồi ảnh cũ. Trong số này thì KTV chế bản tách màu là có trình độ "siêu" nhất bởi công việc của họ đòi hỏi phải cho ra đời những bản in sao cho sản phẩm in ra đạt độ chính xác cao về màu sắc, đường nét. Họ phải biết sử dụng kết hợp nhiều phầm mềm như: Corel Draw, Photoshop, Ilustrator… để thao tác, đồng thời phải nắm vững kỹ thuật in ấn và làm phim. Ở Quy Nhơn, đội ngũ này không nhiều và thường tập trung ở các doanh nghiệp quảng cáo, in ấn lớn.

Trong khi đó, công việc chế bản giấy can lại không đòi hỏi kỹ thuật cao vì chỉ cần nắm vững Corel Draw, Word, Print Artist để tạo một bản in trắng đen trên giấy can. Đây là công việc phục vụ đắc lực cho nghề in lụa và hiện có rất nhiều người làm nghề này. Với các KTV chỉnh sửa, phục chế ảnh, tuy yêu cầu kỹ thuật không cao bằng KTV chế bản tách màu nhưng lại đòi hỏi phải có năng khiếu và nhất là "con mắt xanh" để làm nghề. Hiện hầu hết các studio chụp ảnh cưới, ảnh nghệ thuật và các Lab tráng rọi ảnh ở thành phố như MiVa, Mê Linh, Vĩnh Yên, Bàn, Trung Đức… đều có đội ngũ thợ này. Công việc của họ bao gồm chỉnh sửa, phục chế và tạo kỹ xảo trên ảnh. Nghề này không chỉ đòi hỏi người làm nắm vững các kỹ thuật đồ họa mà còn phải có khiếu thẩm mỹ. Anh Lê Văn Đức - KTV ĐHVT của Trung tâm ảnh màu Trung Đức - cho biết: "Làm nghề này hơn nhau là ở kinh nghiệm và con mắt. Ví dụ khi phục chế ảnh chân dung bị mờ một bên mặt thì KTV phải biết các chi tiết còn lại như thế nào, vị trí chính xác là ở chỗ nào bên kia khuôn mặt".

* Nghề dạy nghề

Chừng khoảng mười năm trở lại đây Quy Nhơn mới có KTV ĐHVT, còn trước đó thì hầu hết các dịch vụ in ấn, phục hồi ảnh đều phải gởi hàng vào TP Hồ Chí Minh để chế bản, xử lý ảnh.

Điều đáng nói là hiện không có một chương trình đào tạo chính quy nào dạy ĐHVT cả. Những KTV ĐHVT đầu tiên ở Quy Nhơn đều đã phải "tầm sư học đạo" ở TP Hồ Chí Minh. Vì thế, ở Quy Nhơn, những ai muốn trở thành KTV ĐHVT thì hoặc là phải theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn ở TP Hồ Chí Minh, hoặc học những người đi trước. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nghề này không chỉ đòi hỏi khả năng mà còn phải có năng khiếu và óc thẩm mỹ. Vì thế, khoảng cách giữa một KTV ĐHVT biết nghề và một KTV ĐHVT giỏi nghề là rất xa. Anh Thanh - chuyên gia chế bản vi tính, từng theo học một khóa đào tạo KTV ĐHVT ở TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Nghề này cũng có bí quyết riêng nên thầy chỉ dạy cho mình những cái cơ bản, còn lại mình phải tự nghiên cứu. Vì thế, nhiều khi gặp sai sót thì mới rút kinh nghiệm được".

Theo đánh giá của nhiều người trong nghề thì trình độ của KTV ĐHVT ở Quy Nhơn chỉ bằng một "mẩu" các đồng nghiệp của họ ở TP Hồ Chí Minh. Lý do chủ yếu là yêu cầu về mỹ thuật ở đây chưa cao và thiết bị chế bản chưa mang tính chuyên nghiệp. Thế nên những khách hàng có nhu cầu in ấn với số lượng lớn, chất lượng cao và giá rẻ thường trực tiếp vào TP Hồ Chí Minh đặt hàng. Một KTV ĐHVT có thâm niên nhận xét: "Chỉ cần nhìn một sản phẩm in ấn là biết do thợ Quy Nhơn là hay Sài Gòn làm. Tuy không thể đánh giá trình độ chế bản qua một bản in nhưng khâu chế bản cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng in".

Mặt khác, cũng do yêu cầu về mỹ thuật chưa cao nên ở Quy Nhơn KTV ĐHVT thường kiêm luôn vai trò thiết kế (design). Thông thường một sản phẩm in ấn trước khi được đưa đi in phải qua hai công đoạn là thiết kế mẫu - do các designer thực hiện, và thể hiện ý tưởng của designer trên máy vi tính - do các KTV ĐHVT làm. Ở các cơ sở chế bản in ấn nhỏ, đa số các KTV ĐHVT bỏ qua công đoạn thiết kế mà thể hiện luôn mẫu in trên máy.

Trong xu thế phát triển của nền kinh tế, nhu cầu quảng cáo, giới thiệu sản phẩm thông qua các sản phẩm chế bản, in ấn như: pa nô quảng cáo, bao bì, nhãn mác, catalogue… là rất lớn. Vấn đề này đặt ra yêu cầu phải có một đội ngũ KTV ĐHVT được đào tạo chính quy, dài hạn để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

. Nguyễn Bích

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tình yêu đẹp   (09/07/2004)
Những mảng tối trên net   (09/07/2004)
Chuyện kể trong mùa tiếp sức   (08/07/2004)
Thư viện - sân chơi bổ ích trong dịp hè   (08/07/2004)
Công đầu của đội biệt động Chi đoàn Trần Văn Ơn   (07/07/2004)
Áo thun mùa hè: Trẻ trung, hiện đại  (06/07/2004)
Trang phục nơi công sở - để tự tin hơn  (02/07/2004)
Mệt mà vui !   (01/07/2004)
Sát cánh cùng thí sinh   (01/07/2004)
Nhạc trẻ và hiện tượng "ăn theo" những dòng nhạc  (30/06/2004)
Mua ba lô, va li du lịch  (29/06/2004)
"Hoa mồ côi" trên giảng đường đại học   (27/06/2004)
"Những cô gái chân dài" bước dài đến thành công   (25/06/2004)
Hội thi "Thanh niên nông thôn giỏi nghề nông": Sôi động, thiết thực và bổ ích   (24/06/2004)
Trường Quốc Học: Điểm sáng trong giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên   (23/06/2004)