Gần đây, truyện tranh thiếu nhi (TTTN), đặc biệt là các loại truyện dịch từ nước ngoài, hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu giải trí và học tập của thiếu nhi Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều với nội dung bạo lực, thù hận, yêu đương nhảm nhí…
* Khi người lớn đọc TTTN
|
Truyện tranh không cần trưng bày nhưng vẫn bán khá chạy |
Có rất nhiều phụ huynh chỉ biết đi tìm mua những cuốn TTTN theo sở thích của các em mà ít biết được nội dung của câu chuyện con em mình vẫn chú tâm đọc hàng ngày là gì? Anh Nguyễn Ngọc Minh ở 35 Lý Thường Kiệt, TP. Quy Nhơn tâm sự: "Tình cờ ngồi chờ xem Euro, không biết làm gì tôi vớ phải cuốn TTTN "Võ sĩ lôi đài" - NXB Văn Hóa Thông Tin - của đứa con trai 10 tuổi đọc thử thì thật sự "sốc" khi toàn bộ nhân vật trong truyện chỉ có nhiệm vụ là tàn sát lẫn nhau".
Thật vậy, chỉ cần đọc qua tên truyện, cách trang trí, hình ảnh ngoài bìa của một số quyển TTTN như: "Gia đình võ thuật", "Trận chiến cuối cùng", "Sát thủ trên sân bóng", "Vô địch bida"… do NXB Đồng Nai, Mũi Cà Mau… xuất bản, bạn sẽ thấy toàn là cuộc chiến đấu vô bổ. Nội dung của những bộ sách này là đánh nhau triền miên với những âm thanh được mô tả bằng phông chữ khá lớn như: cheng, phẹch, réc, phập, pằng, vèo…, nhân vật nào cũng mang trong mình dòng máu chiến binh với con mắt hừng hực lòng căm hận, ý muốn trả thù sâu sắc, muốn chiến thắng bằng mọi giá…
Em Võ Như Hoàng - lớp 5A trường Tiểu học Lê Lợi - Quy Nhơn, nói: "Em rất thích đọc TTTN, đặc biệt là các câu chuyện "Võ sĩ đạo". Truyện có nhiều cảnh đánh nhau "độc chiêu" như trong phim vậy đó. Nhiều cảnh rất hay và vui lắm". Không chỉ có đánh nhau vì lòng hận thù, TTTN "Cuộc chiến âm nhạc" - NXB Mỹ Thuật - còn khuyến khích kêu gọi các em học sinh chia bè phái, biểu tình bằng băng rôn, khẩu hiệu… với các thầy cô trong trường. Các em nam thì thích những trận thủy chiến "kinh điển", trong khi các em nữ lại thích tình cảm bi đát, lâm ly. Bộ TTTN "Nữ hoàng Ai Cập" gồm 60 quyển nhưng chỉ tồn tại một nội dung duy nhất là sự tranh giành, đánh nhau giữa thủ lĩnh các tộc người khác nhau trên thế giới nhằm đến mục đích là giành tình yêu của cô gái có tên Nữ hoàng Ai Cập.
* Tất cả vì kinh doanh
Thông thường, một bộ TTTN phải có từ 20 tập trở lên với giá từ 5.000-7.000 đồng/quyển nên rất ít em được cha mẹ mua cho đọc. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các em đặc biệt là dịp hè, nhiều người đã mở tiệm kinh doanh cho thuê TTTN. Cô Ngọc Hồng - chủ tiệm cho thuê TTTN ở đường Phan Bội Châu - cho biết: "Hiện nay, có hơn 20 bộ TTTN đang được các em ưa thích như Hai chị em, cô gái nghèo, Cậu bé Kinh Kông, Đội nữ đặc nhiệm, Đại luật sư… Trung bình một tuần mỗi bộ cho ra một tập nhưng vì có quá nhiều bộ nên các em thiếu nhi tha hồ mà đọc. Hàng ngày, tôi phải chạy đôn chạy đáo để lấy truyện cho các em kịp luân chuyển nhau đọc hoặc đề ra biện pháp phạt tiền nếu trả sách trễ hạn từ một ngày trở đi".
Theo sự tính toán của chủ tiệm cho thuê TTTN, trung bình một quyển TTTN có giá thuê từ 500đồng/quyển, nếu đọc tại chỗ thì giá là 200đồng/quyển. Vì vậy, một ngày mỗi tiệm cho thuê TTTN như trên có thể kiếm được từ 30.000 đồng trở lên.
Chị Như Tâm - chủ tiệm sách trên đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn - cho biết: "Số truyện dành cho thiếu nhi được bày bán tại tiệm chủ yếu là TTTN. Các loại truyện cổ tích Việt Nam cũng như các tập truyện do các tác giả Việt Nam viết ít được các em lựa chọn nên dần dần tiệm chúng tôi đã phải nhận bán với số lượng hạn chế".
Được biết, cuối năm 2003, Cục Xuất bản đã có cuộc hội thảo nhằm chấn chỉnh hoạt động xuất bản truyện tranh có nội dung không phù hợp. Nhưng đến nay, đặc biệt là vào mùa hè này, các loại TTTN thuộc thể loại kể trên lại bùng nổ, nhiều truyện không có tên tác giả, người biên dịch hoặc tên NXB. Với những truyện tranh như vậy thì thử hỏi nội dung giáo dục nhân cách tốt đẹp của con người dành cho các em ở đâu? Điều đáng sợ là thể loại truyện tranh kiểu này lại thu hút sự chú ý, tò mò ở phần lớn các em thiếu nhi. Nhiều phụ huynh chỉ lo kiểm soát con em mình trên các trò chơi điện tử nhưng rất ít người chú ý đến nguy cơ "đầu độc" trí óc các em từ những cuốn TTTN này.
. Hải Yến |