Buổi tối, khi tôi đang dẫn con dạo chơi trên đường Nguyễn Tất Thành (Quy Nhơn), bỗng nghe một giọng bạn trẻ chào mời: "Cô mua chiếc xe này cho em đi cô, chỉ có 5.000 đồng thôi. Còn có nhiều thứ khác nữa cho em bé nè".
Cô bé khéo ăn nói, lại biết chiều trẻ con nữa nên thằng bé nhà tôi cứ nằng nặc đòi lấy hai con siêu nhân và chiếc xe tăng mới thôi. Nga (tên cô bé), năm nay bước vào lớp 11, đã có thâm niên bán đồ chơi trẻ con ở nơi này đã gần bốn năm nay. "Hôm nào hết sớm, về đến nhà đã 12 giờ. Buồn ngủ díp cả mắt, sáng sớm ra phải đi bán bánh mì", Nga kể. Bà Cẩm, mẹ Nga, ngồi kế bên bán thuốc lá, mực nướng, chép miệng: "Nhà tôi nghèo lắm, ba cháu đau ốm luôn, nó còn một đứa em nữa. Đã nhiều lần tôi khuyên nó nghỉ học, đi làm nhưng con bé ham học lắm. Học một buổi, một buổi đi bán hàng lấy tiền nộp học phí. Nó làm đủ nghề: bán vé số, bong bóng bay, rồi bán bánh mì… Hè, nó làm càng hăng, kiếm tiền để mua sách vở, quần áo cho cả hai chị em. Đang tuổi ăn tuổi lớn, có hôm vừa bán nó vừa ngủ gục, thối lộn tiền cho khách. Hai mẹ con ngồi cả buổi tối thành công toi. Vừa thương lại vừa giận con".
Hè đến, trong khi nhiều học sinh được ba mẹ cho đi chơi, nghỉ mát hoặc chỉ lo đi học thêm thì vẫn có nhiều bạn phải gò lưng ra làm thêm kiếm tiền phụ gia đình, hoặc có bạn chẳng biết đến hương vị của mùa hè là gì bởi họ phải vào đời sớm, vật lộn với cuộc mưu sinh. Có bạn chẳng lần nào được cắp sách đến trường hoặc qua hết bậc tiểu học. Với họ, mùa hè là một thứ xa xỉ.
Hằng, 15 tuổi, ở khu vực 6 phường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn), tính toán tiền khách mua vé số rất nhanh, nhưng chật vật lắm mới đánh vần nổi cái tên của mình. Mới học hết lớp 3 Hằng đã phải ở nhà để trông nom đứa em tật nguyền để ba mẹ đi làm thợ hồ. Lớn chút nữa, đứa em trai thay chị trông em, để chị đi bán vé số. Ra đời sớm, cái chữ bay theo những tháng ngày rong ruổi trên phố. Nhưng ngược lại, ngôn từ của cô bé rất phong phú, rặt những thứ thu lượm ở đầu đường xó chợ. Đang ngồi tán dóc với các "đồng nghiệp", bỗng nó quát bà lớn tuổi ngồi bên cạnh: "Tập vé số của tui đâu, trả đây" làm bà ta giật mình. Thì ra, Hằng để quên tập vé số đằng sau lưng. "Nó bị giựt vé số mấy lần rồi. Riết rồi quen, giờ hễ rời tập vé số khỏi tay là nó la làng vậy đó. Nó hỗn nhưng được cái không tham", bà Loan, "đồng nghiệp" lớn tuổi nói như bao biện cho hành động vừa rồi của Hằng.
Số liệu điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, trẻ lao động sớm chiếm tỷ lệ 3,4% trong tổng số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh (28.763 trẻ). Hầu hết đều phải nghỉ học sớm và không có cơ hội tiếp tục học thêm vì phải làm việc nuôi sống bản thân và gia đình. Nhiều em phải vào tận các tỉnh phía nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... để mưu sinh.
Đã có nhiều cuộc vận động, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em được ở nhà, được đi học ở các lớp tình thương nhưng xem ra các nỗ lực cũng không được thành công lắm vì cái nghèo vẫn còn là gánh nặng đeo đẳng trên đôi vai còm cõi của các em. Bà Lê Thị Minh Tâm, một cán bộ nghỉ hưu ở phường Lê Lợi, hơn chục năm nay kiên trì mở các lớp học tình thương cho trẻ khó khăn tâm sự: "Thôi thì mình cố dạy cho chúng cái chữ, miễn sao nó biết đánh vần, đọc được cái thư là đã mừng lắm rồi".
Chỉ non tháng nữa là khai giảng năm học mới nhưng với bạn trẻ "không có mùa hè" thì sự kiện ấy đâu có ý nghĩa gì. Chúng vẫn hàng ngày quẩn quanh bãi rác, rong ruổi trên các phố phường đánh giày, bán vé số tìm kiếm vận may cho chính mình.
. Thu Hà |