Nghề phục vụ tiệc cưới
10:29', 12/8/ 2004 (GMT+7)

Xu hướng tổ chức tiệc cưới tại các khách sạn, nhà hàng ngày càng trở nên phổ biến. Để có thể phục vụ hàng mấy trăm thậm chí cả ngàn thực khách trong vài giờ đồng hồ, các nhà hàng, khách sạn thường phải thuê thêm người phục vụ. Đối tượng được thuê làm công việc này thường là sinh viên, học sinh tranh thủ làm thêm để có một khoản thu nhập.

* Nhập nghề

Sửa soạn buổi tiệc

Sau giờ học trên trường, Công Nhân - sinh viên năm 1 Khoa Lý, Đại học Quy Nhơn - bắt đầu làm đi thêm lúc 14 giờ chiều tại khách sạn Hải Âu. Nhân cùng các bạn trong nhóm bắt tay vào xếp đặt bàn ghế theo sự chỉ bảo của tổ trưởng. Hơn 50 chiếc bàn và hàng trăm chiếc ghế được cả nhóm nhanh chóng đưa vào đội hình. Phía góc phòng, ba bạn nữ đang thoăn thoắt lau khô cả chồng chén bát. Việc trải khăn bàn, sắp chén bát, ly, dĩa và cả bình hoa, khăn giấy được các bạn bày biện đâu vào đấy. Hưng (tổ trưởng) thỉnh thoảng nói vài câu pha trò phá vỡ bầu không khí nghiêm túc. Hai anh Tân và Dũng thì đang cặm cụi trang trí sân khấu đám cưới. Một bàn tiệc với 100 chiếc ly chất theo tầng, hai chùm bong bóng rực rỡ màu hồng để châm nổ thay pháo, phong chữ, bánh kem… được bố trí đâu vào đấy và dường như chẳng ai có thể dời chúng đi đâu để cho hợp lý hơn nữa cả. Khoảng 16 giờ công việc đã hoàn thành, cả tổ họp nhau để phân công trực bàn. Nhân và Tâm là "lính" mới nên sẽ phải cùng ba chị trong tổ làm nhiệm vụ rót bia - nước ngọt, tiếp đá lạnh và vài việc vặt phát sinh; 10 người còn lại sẽ bưng bê thức ăn theo thực đơn có sẵn. Khoảng 8 giờ tối, sau khi dọn dẹp đâu vào đó, cả tổ mới được ra về.

Anh Trần Hữu Duy - nhóm trưởng của một nhóm lớn với gần 100 người - cho biết: "Ở Quy Nhơn có khoảng 2-3 nhóm làm công việc như nhóm của mình nhưng số lượng người tham gia thì chỉ có khoảng 10 - 20 người/nhóm. "Nghề" này thường có hai nhánh chính là phục vụ tiệc cưới và đầu quân cho các nhóm nấu ăn. Có những buổi lễ đính hôn, thành hôn tại nhà vào khoảng 4-5 giờ sáng thì họ đã có mặt từ 1 giờ để chuẩn bị công việc, sắp xếp bàn ghế và phân công trực bàn".

* Vất vả nhưng vẫn cười

Tùy theo từng khách sạn, nhà hàng mà tiền công được tính theo giờ, buổi, nhưng bình quân mỗi bạn được 25.000đồng/tiệc. Ngoài ra, khi có tiền bồi dưỡng, tiền thưởng thì sẽ được chia đều cho cả nhóm vào cuối tháng. Trung bình mỗi bạn có thu nhập từ 250.000-300.000 đồng/tháng. Bạn Công Nhân cho biết: "Mình sinh ra ở làng miền núi Ayun rất khó khăn thuộc huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Nhờ công việc phục vụ tiệc cưới mà mình có thể tự lo được chi phí học tập và rất vui vì được ăn tiệc hoài thôi". Thông lệ hai tuần, mỗi tổ họp nhau lại để báo cáo, kiểm điểm hoặc được các anh lớp trước chỉ bảo thêm về công việc để tránh xảy ra tình trạng sai sót, dù nhỏ nhất, trong bàn tiệc.

Bạn Thu Minh - vừa tốt nghiệp THPT nhưng đã có thâm niên gần hai năm trong nghề - tâm sự: "Thời gian qua, mình nghỉ làm việc để dành thời gian cho học tập nhưng thấy nhớ các anh chị trong nhóm. Các anh, chị hay gọi điện hỏi thăm và chúc mừng. Sau kỳ thi vào đại học, mình lại xin tiếp tục được đi làm". Đúng vậy, tình cảm mà các bạn dành cho nhau thật chân thành, có lẽ nhờ nghề này mà họ gần nhau và thông cảm nhau nhiều hơn.

Nghề phục vụ tiệc cưới tưởng như dễ dàng nhưng thật ra thì rất mệt mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được. Bạn Nguyễn Trọng Khương - Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn, người có thâm niên gần 3 năm trong nghề - tâm sự: "Người làm nghề này phải chịu khó và hết sức dễ chịu. Một bữa tiệc có hàng trăm khách với đủ tầng lớp, lứa tuổi, sẽ có nhiều yêu cầu trái ngược nhau ngay cùng bàn, hoặc có người khi quá chén sẽ có những lời lẽ, hành vi không hay, nhưng buộc bạn phải luôn tươi cười hoặc nhận lỗi về mình". Bạn Hoàng Ly - sinh viên trường ĐH Quy Nhơn - cho biết: "Khi mới vào nghề này mình đã phải bật khóc vì đôi chân sưng phồng do đứng quá lâu và chạy nhiều. Một buổi tối làm việc hiệu quả là khi tay chân mõi rã rời, tai vẫn còn ù lên vì những yêu cầu của khách".

Trái với bạn Thu Minh đang náo nức muốn trở lại với nghề, anh Duy đang có ý định nhường quyền nhóm trưởng cho một người đáng tin cậy khác để chú tâm vào công việc mới ổn định hơn. Nhiều bạn trẻ trong nhóm cũng như anh, chịu vất vả chỉ để lấy nghề nuôi nghiệp học và mong tiến đến con đường xa hơn phía trước.

. Hải Yến

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Áo dài mùa khai trường   (11/08/2004)
Những bạn trẻ không có mùa hè   (09/08/2004)
Kiếm tiền trên mạng: Chuyện đuổi hình, bắt bóng   (06/08/2004)
"Mình sẽ trở lại.. ."   (05/08/2004)
Làm dân tin, ở dân thương, đi dân nhớ   (04/08/2004)
Thời trang giày dép da nữ: Trở lại mốt mũi tròn, đế mảnh   (03/08/2004)
Cậu bé đa tài   (30/07/2004)
Tuổi trẻ Hoài Nhơn những ngày tháng 7   (30/07/2004)
Khu tái định cư Đồng Binh - Hà Nhe: Hè này có gì lạ?   (28/07/2004)
Tóc bạc của mẹ  (25/07/2004)
Hồ Như Quỳnh: Học giỏi, chỉ huy Đội giỏi   (23/07/2004)
Thư viết ở ký túc xá   (23/07/2004)
Ngẫu nhiên, nhưng là tất nhiên (*)  (22/07/2004)
Chuyện "nhặt" ở mùa hè xanh  (22/07/2004)
Chàng sinh viên không tham của rơi   (16/07/2004)