Ở trường, trừ giảng dạy, còn lại việc gì cũng đến tay họ. Những người trong cuộc tự định nghĩa công việc của mình là: TỔNG của những cái PHỤ và thường xuyên bị… TRÁCH. Nghề gì mà lạ quá vậy? Xin thưa, đó là công việc Tổng phụ trách Đội (TPTĐ).
* Đường đến với nghề
|
Thùy Dung đang hướng dẫn các em thiếu niên tập thắt khăn quàng |
Yêu cầu công việc của một TPTĐ trước hết là phải yêu trẻ, biết hát hay, múa dẻo, biết bày trò, biết chơi mà học, học mà chơi cùng các em và rất nhiều kỹ năng hoạt động phong trào khác. Vì thế, công việc này rất thích hợp với những người trẻ tuổi. Tuy vậy, không phải tất cả các TPTĐ đều đến với nghề xuất phát từ lòng yêu thích. Có người làm TPTĐ do ngẫu nhiên và cũng có người do tình thế phải lựa chọn. Nhưng có một điểm giống nhau là khi đã bắt tay vào việc thì ai cũng yêu nghề, mến trẻ.
Nguyễn Thị Thu Đông - TPTĐ Trường THCS Canh Hiển, Vân Canh - cười tít mắt: "Mình yêu trẻ con lắm, nên rất thích làm nghề này". Trước đây Đông vốn là giáo viên, do trường thiếu TPTĐ nên mới chuyển Đông sang vị trí này từ 3 năm nay. Còn Nguyễn Quốc Hùng - TPTĐ Trường THCS thị trấn Phù Mỹ tuy mới làm TPTĐ được 1 năm nhưng đã tỏ ra rất dẻo. Hùng kể: "Lúc về thực tập ở trường, mình đã được các thầy - cô nhắm để làm TPTĐ, nhưng mãi đến khi về trường nhận công tác thì mới biết. Mà mình cũng thích công việc này lắm. Một ngày không đến trường, không gặp các em thiếu niên thì thấy thiếu thiếu thế nào ấy". Hùng kể, một kỷ niệm trong chiến dịch mùa hè xanh ở An Lão cách đây 2 năm, lúc Hùng còn là SV Trường ĐH Quy Nhơn, đã tạo thêm sức mạnh và lòng quyết tâm để bạn làm tốt công việc này. Đó là vào ngày cuối cùng chiến dịch, một em nhỏ cầm theo 4 trái cam và dẫn cha mẹ tới cảm ơn thầy Hùng, em khóc và nói rằng muốn thầy ở lại dạy cho em học, vui chơi, sinh hoạt đội với em.
Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Quang - TPTĐ Trường TH số 1 thị trấn Tuy Phước, người có thâm niên 7 năm làm TPTĐ thì thành thật: "Lúc đầu mình nhận làm TPTĐ chỉ vì muốn ở gần nhà. Nhưng sau thì thấy thích và bây giờ cho đi dạy thì có lẽ mình ít thích hơn làm Tổng".
* Nghề "tổng của những cái phụ"
Nói là nói vậy chứ TPTĐ đóng vai trò khá quan trọng trong trường học. Nếu các thầy - cô giáo dạy các em kiến thức thì các anh chị TPTĐ lại rèn luyện cho các em đạo đức, nề nếp sinh hoạt, từ đó giúp việc giáo dục học sinh đạt kết quả hơn. Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - TPTĐ Trường THCS Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) kể về công việc của mình: "Từ sáng đến chiều, từ thứ Hai đến thứ Bảy Nguyệt đều có mặt ở trường. Ngoài sinh hoạt với học sinh (3 buổi/tuần), thời gian còn lại mình làm sổ sách, kế hoạch, hồ sơ. Những tháng có chủ điểm như 20-11, 26-3, 30-4… thì nhiều việc lắm".
Bên cạnh việc hướng dẫn, tập luyện cho học sinh các kỹ năng chuyên môn Đội, các anh chị TPTĐ còn "ôm" tất cả các hoạt động phong trào của nhà trường như: Hội khỏe Phù Đổng, Tiếng hát Hoa phượng đỏ, Kể chuyện theo sách, Tin học trẻ không chuyên, thi Nét đẹp đội viên và Văn nghệ….
Cái khó của công việc TPTĐ không chỉ ở chỗ phải làm nhiều việc mà còn là phải học cách chơi và học với các em đội viên - lứa tuổi rất hiếu động và nghịch ngợm. Thái Thị Thùy Dung - TPTĐ của Trường TH số 2 Võ Xán (Tây Sơn), mới 1 năm làm Tổng cười: "Phải biết áp dụng phương pháp sư phạm vào công tác Đội: nghĩa là vừa khắt khe vừa mềm mỏng thì các em mới nghe". Theo các TPTĐ thì cách dạy dỗ các em hiệu quả là thường khen nhiều hơn chê, để khích lệ các em vươn lên. Với học sinh cá biệt, không nóng vội. Phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em, đặt mình vào hoàn cảnh đó thì mới có cách giải quyết hiệu quả.
Công việc TPTĐ được TPTĐ Nguyễn Hoàng Quang tổng kết bằng một câu ngắn gọn nhưng nhiều ý nghĩa: "Nếu nói làm TPTĐ ít việc thì cũng đúng mà nhiều việc thì cũng chẳng sai. Khi không làm thì thấy chẳng có việc gì để làm, nhưng nếu đã bắt tay vào làm thì thấy rất nhiều việc".
. Nguyên Sương |