|
Gia đình anh chị Đoàn Văn Mai - Đoàn Thị Be (dân tộc Chăm) ở Canh Hòa - Vân Canh được công nhận là gia đình tiêu biểu trong phong trào gia đình "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" |
B. là cô gái tính tình phóng khoáng, ham vui. Khi yêu B., anh coi đó là đức tính hay nhưng đến khi cưới nhau rồi, chính tính tình của vợ làm anh bực mình. Rất nhiều lần, chỉ cần nghe bạn bè gọi điện rủ đi chơi, vậy là B. không ngần ngại diện bộ cánh, dắt xe máy ra cổng rồi mới nói với chồng: "Chiều nay con bạn tổ chức sinh nhật, anh chịu khó đi ăn cơm tiệm vậy nhé". Đã vậy, B. không thích chuyện bếp núc. "Đi ăn cơm chỉ cho tiện, thời buổi công nghiệp, muốn ăn gì có nấy. Nấu nướng chi cho mệt". Một lần, hai lần anh còn chịu được nhưng điệp khúc cơm quán kéo dài mãi, anh đâm ra chán nản. Anh phàn nàn thì B. bình thản bảo: "Tính em vậy đó, em không thích bị gò bó đâu. Hồi xưa em đã nói trước rồi còn gì". Chẳng ai chịu ai, cuối cùng đường ai nấy đi. Cũng may, hai người chưa có con nên chẳng mất công giải quyết gì nhiều.
Anh D. là người kỹ tính, sạch sẽ. Trong nhà chỗ nào bẩn là anh lập tức lau chùi dọn dẹp ngay. Chẳng biết ông tơ bà nguyệt xe lầm thế nào mà anh rước phải một cô vợ đụng đâu bỏ đó. Anh cố gắng khuyên nhủ, nhưng chị không phản đối cũng chẳng đồng tình. Rồi đứa con ra đời, trong nhà càng lộn xộn. Quần áo của con, đồ dơ chị để lẫn với đồ sạch, thìa muỗng vứt lung tung. Anh cố công dọn dẹp nhưng rồi đâu lại vào đấy. Anh ca cẩm: "Vợ chồng chỉ có chuyện đó mà cãi nhau hoài. Kiểu này tôi chẳng thể ở mãi được".
* Làm thế nào để hòa hợp?
Xung đột gia đình trẻ hiện có xu hướng gia tăng và biểu hiện ngày càng phức tạp, đa dạng. Thống kê của Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn cho thấy, tỷ lệ người ly hôn ở độ tuổi 18-30 chiếm 85 trong tổng số 239 vụ án đã thụ lý năm 2003. Bất hòa dẫn đến ly thân và ly hôn thường bắt nguồn từ những yếu tố do có cá tính và sở thích cá nhân của hai vợ chồng trái ngược nhau. Có trường hợp xin ly hôn chỉ vì cô vợ thích ở nhà còn anh chồng thích đi chơi hay chỉ vì vợ thích xem phim còn chồng nghiện bóng đá. Chính vì ai cũng muốn giữ "cái tôi" của mình, không chịu hy sinh cho "cái ta" đã khiến cho bầu không khí của gia đình càng trở nên nặng nề, dễ tan vỡ. Mâu thuẫn ở các gia đình trẻ thường nảy sinh và càng gay gắt khi đứa con chào đời. Từ việc chi tiêu tốn kém đến sự thay đổi nếp sinh hoạt càng khiến những mâu thuẫn phát sinh.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng: 2-5 năm đầu tiên chung sống là khoảng thời gian khó khăn nhất để thử thách sự hòa hợp của hai vợ chồng. Nếu vượt qua giai đoạn này dễ dàng thì cuộc hôn nhân của vợ chồng sẽ có thể rất bền vững. Vợ chồng nên biết chịu nhường nhịn nhau, giảm bớt "cái tôi" của mình lại để cùng chung lo cho "cái ta". Trong quan hệ vợ chồng không nên quá hiếu thắng hơn-thua mà phải biết dừng lại đúng chỗ. Bà C., người có cuộc sống gia đình hạnh phúc trong 40 năm qua, tiết lộ: "Ông nhà tôi tính cẩn thận, còn tôi thì đểnh đoảng. Hồi mới về ở chung tôi thấy khó chịu vô cùng, cứ quen nếp nhà mình mà làm. Ổng nói, tôi thấy phải, nên nghe theo. Còn ổng, có gì sai tôi lựa lúc thuận lợi nhẹ nhàng góp ý kiến. Nhiều khi ổng cứ cho rằng mình đúng, những lúc đó tôi chẳng tranh làm gì mà đợi lúc ổng nguội tôi mới nói. Trong gia đình, phải chịu nhường nhau thì mới được".
. Hoàng Lan