Việc gì cũng có mặt trái của nó. Mặt trái của internet hiện nay là chat. Chính chat đã đưa lớp trẻ vào những thử nghiệm trường đời mà người lớn cũng phải cân nhắc! Và hơn ai hết, chat hiện đang dẫn lứa tuổi học trò vào những mê cung tăm tối…
|
Các bạn trẻ đang chat tại một điểm internet ở TP Quy Nhơn |
Ngay sau khi tiếng trống tan trường vừa dứt, ở bất kỳ điểm truy cập Internet công cộng (IE) nào ta cũng có thể bắt gặp những gương mặt trẻ măng, trên người vẫn còn bộ quần áo đồng phục nguyên biển tên trường, đang chăm chú dán mắt vào màn hình máy tính. Tưởng như có thể mừng thầm vì tương lai của tỉnh nhà tươi sáng biết bao khi những bạn trẻ say mê học hỏi thâu đêm suốt sáng như vậy. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại…
"Vì vui chứ sao nữa! Cả một phòng chat có khi mấy trăm người mà chẳng biết được mặt nhau, cứ như là chơi trốn tìm vậy" - Minh Anh - một học sinh lớp 11 - hồn nhiên trả lời khi tôi hỏi lý do sao lại thích chat. Còn với Chương - sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn - thì "Nói láo vô hại một chút cho vui có sao đâu, chat là nơi dễ nói láo nhất, muốn nói mình là ai cũng được, xong rồi thì thôi chứ có gặp nhau đâu mà sợ"...
Họ chat gì? Xin hãy thử ghé vào một vài cuộc chat: "Maimaiyeuem: Xin chao/ Phuonghong18: Hi! (Chào!); Maimaiyeuem: Bạn là boy (trai) hay girl (gái)?/ Phuonghong18: La gay! (đồng tính)…"
Đa số các cuộc chat đều có kết cục "một đi không trở lại" khi một trong hai đối tượng phát hiện ra rằng kẻ đang chat với mình là người cùng giới tính (?). "Lên chat mà không nói dối mới là chuyện lạ, đứa nào dại thì ráng chịu" - một học sinh nghiện chat đã nói như vậy.
Sẽ chẳng có gì để nói về những điểm IE cũng như lối "giao lưu" vô bổ không có cơ sở gì cho một "tình bạn qua mạng" như trên, nếu như những chuyện "hậu chat" không xảy ra với những kết cục và đường hướng hoàn toàn không ngờ tới. "Dịch" chat đang thực sự "hành" học sinh. Từ 4-5 giờ chiều đến 9-10 giờ tối, những điểm IE ở Quy Nhơn hầu như lúc nào cũng đông nghẹt học sinh, sinh viên. Họ ngồi lì hàng giờ liền, mắt nhìn, tay gõ như bị ma ám.
Dùng Internet mỗi giờ trung bình 3 nghìn đồng, nhưng không lẽ ngồi lâu thế lại không "thuốc nước" gì thì không phải là sành điệu. Nhiều bạn còn hút thuốc, uống nước, cà phê; riêng con gái không hút thuốc thì nhai kẹo cao su, tính chi phí trung bình cho một "con nghiện chat" một ngày không thể dưới 10.000đ. Thế nhưng, chi phí ấy chưa là gì so với những cuộc đi chơi đêm sau khi chat, những vụ hẹn hò… ở quán xá. Học sinh phổ thông trung học lấy đâu ra tiền nếu không phải là nói láo gia đình với rất nhiều lý do như học thêm, đóng quỹ lớp... Và, khi không còn có thể nói láo để xin tiền gia đình nữa thì họ liền giở "bài cùn" với gia đình.
Con trai thì như vậy, con gái thì coi chat là nơi "ạ ơi" xem có anh nào đẹp trai, galăng hay không. Với một số nữ sinh thì đây là trò chơi mang tính lãng mạn theo kiểu "công chúa ngủ trong rừng". Chẳng hề biết mặt hoàng tử và hồi hộp chờ đến ngày gặp mặt, đối tượng này rất dễ bị lừa sa vào những cuộc chơi mà hậu quả các bạn không thể lường trước. Mới đầu là những buổi uống nước nho nhỏ, rồi hẹn đi xem phim, sau đó thì… trời mới biết được! Có những cô bé với gương mặt xanh lét tại khoa sản bệnh viện chờ "giải quyết" mà nguyên nhân là anh "người yêu quen qua chat" lúc đó đã cao chạy xa bay... Nhưng cũng có những nữ sinh coi đây thực sự là "cái cần câu tình và tiền" - "tình" theo định nghĩa của những cô gái này không phải là một tình cảm đích thực mà là một "người yêu" ăn mặc sành điệu, đi xe xịn, chịu chơi…
Cơn sốt chat trong giới trẻ hiện nay là do đâu? Do các tụ điểm giải trí lành mạnh buổi tối dành cho giới trẻ quá ít ỏi và nhạt nhẽo hay do sự quản lý lỏng lẻo của phụ huynh? Thường thì cơn sốt nào cũng là triệu chứng của một căn bệnh nào đó. Và, cơn sốt chat hiện nay trong giới trẻ cũng không là ngoại lệ.
. Hoài Xuân
(Quy Nhơn) |