Ngày nay, tin học (TH) ngày càng phổ biến, thậm chí mù TH coi như là mù chữ. Tuy vậy, việc phổ cập TH, trang bị công cụ mạnh nhất này cho thanh niên ở Bình Định vẫn đang chậm rãi bước.
Hiện chưa có một thống kê chính thức nào nhưng chắc rằng con số thanh niên mù TH ở Bình Định không phải là nhỏ. Trong khi nhiều địa phương trong nước đang rất chú trọng công tác xóa mù TH bằng nhiều hình thức như: xây dựng đề án "cơ hội số" để xóa mù TH cho thanh niên trong phường, quận; phổ cập TH cho thanh niên nông thôn thông qua hoạt động tình nguyện hè của sinh viên; mở các lớp thanh niên giúp nhau xóa mù TH văn phòng trong các cơ quan… thì thanh niên Bình Định vẫn chưa có động tĩnh gì.
|
Thực hành trên máy vi tính tại Trung tâm Hỗ trợ CNTT Bình Định |
Hoạt động phổ cập TH, đào tạo TH trẻ ở địa phương quanh đi quẩn lại là các lớp học ngoại khóa ít ỏi của trường phổ thông; các trung tâm TH tuyển sinh ồ ạt; tổ chức Hội thi TH trẻ không chuyên. Công bằng mà nói, trong 10 năm qua, Hội thi TH trẻ không chuyên của tỉnh đã góp phần đáng kể trong việc xã hội hóa TH. Thế nhưng, lại có một thực tế đáng suy nghĩ là: hầu hết các thí sinh đạt giải đều do tự thân vận động, chứ không xuất phát từ việc được bồi dưỡng ở trung tâm TH hay được đào tạo TH ở nhà trường. Nghĩa là chúng ta có một cái gốc chưa vững và cái ngọn cũng rất nhỏ bé. Ông Hà Văn Cát - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, thành viên BTC cuộc thi TH trẻ không chuyên hàng năm của tỉnh - xác nhận: "Mỗi năm, các em tham gia hội thi càng ngày càng đông hơn. Tuy nhiên, vì việc tổ chức đào tạo TH trẻ ở Bình Định chưa bài bản nên các em vẫn phải tự học là chính. Và cũng chỉ là những em thật sự say mê và gia đình có điều kiện mà thôi".
Về phía nhà trường, sau một thời gian dài bỏ ngỏ, mãi đến năm học 2004-2005 này, môn TH mới được triển khai chính thức ở tất cả các trường THPT trong tỉnh. Còn lại, chỉ một số ít trường tiểu học và THCS có điều kiện tự trang bị phòng máy và tổ chức dạy TH ngoại khóa. Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ giáo viên TH ở các trường phổ thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là GV dạy chuyên Tin. Phần lớn họ là giáo viên Toán, Lý kiêm nhiệm sau khi đã học thêm khóa ĐH TH tại chức hoặc đơn giản là dự các lớp tập huấn.
Còn Hội TH Bình Định? Mọi người cũng không rõ là Hội có còn tồn tại hay không, nói chi đến việc phổ biến TH, khuyến khích tài năng TH trẻ; tư vấn, giám định, phản biện về các lĩnh vực CNTT; hỗ trợ công tác gọi thầu và kiểm định chất lượng công trình các hệ thống thông tin… (mục tiêu hoạt động của Hội TH Bình Định).
Dự án quốc gia "Phổ cập TH, nối mạng tri thức cho thanh niên Việt Nam" nhằm xóa mù TH cho 20 triệu thanh niên, do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì đang thu hút sự chú ý của dư luận bởi quy mô và ý nghĩa xã hội to lớn của nó. Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh cũng đang xúc tiến dự án "Xóa mù TH cho thanh niên TP Hồ Chí Minh". Ở cấp cơ sở nhiều địa phương trong cả nước, việc xóa mù TH cho thanh niên đã và đang được triển khai. Trong tình hình CNTT đang bùng phát mạnh mẽ như hiện nay, nếu không tự mình xóa mù TH mà cứ ngồi chờ dự án thì chúng ta sẽ tụt hậu. Ở Bình Định, vấn đề này cần có sự lưu tâm của tổ chức Đoàn, Hội và sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng khác.
. Nguyên Sương |