Nhận tập san thơ văn của tập thể sinh viên lớp Văn SP K.25 (Đại học Quy Nhơn), đọc qua một lần lòng tôi như ướt đẫm với "cơn mưa đầu hạ". "Cơn mưa đầu hạ" là tựa đề bài thơ của Hoàng Thị Hạnh, như đã diễn tả được tâm trạng của tôi lúc này, cũng như của cả tập thể Văn SP K.25.
Bởi bài thơ viết về Mẹ, và cũng bài thơ ấy có những dòng thơ như chuyển tải được tâm trạng của các bạn: Cơn mưa đầu hạ chiều nay/ Con chợt thấy mình vừa lớn/ Trong nỗi nhọc nhằn mẹ gánh/ Bao nhiêu mưa nắng mẹ ơi. Phải đấy, tập tuyển thơ văn này như là "cơn mưa đầu hạ", mà qua đấy ai cũng bỗng nhận thấy mình vừa lớn trong bao nỗi nhọc nhằn, nhọc nhằn trên vầng trán nghĩ suy của Ba, nhọc nhằn trên đôi vai gánh gồng của Mẹ, nhọc nhằn trong những đêm trắng thức học bài và nhọc nhằn trong cả lời… tỏ tình vừa mới đó với ai! Tất cả, tất cả… như cơn mưa mùa hạ tưới mát lòng ta.
Ai đó đã nói một cách chí lý rằng "Văn chương là tiếng chim gọi đàn", và cũng ai đó nói "Thơ là tiếng lòng". Cũng phải thôi, hãy cứ nhìn một cách "soi mói" vào từng cặp vở, từng sổ tay ắt hẳn ta "lôi" ra ít nhất cũng một vài bài thơ của những anh chàng, cô nàng sinh viên, dù "chỉ biết (yêu) học thôi chẳng biết gì". Đó là những bài thơ, những mẩu chuyện tình "vẫn còn hoài trong vở" ở tuổi phượng hồng ấy mà thôi.
Dễ có đến hơn 100 bài thơ, mẩu chuyện, ký ức… của tập thể Văn SP K.25 được tập hợp trong tuyển này. Cứ bình quân ra thì phải đến 1,2 hay 1,3 bài trên "đầu" mỗi một sinh viên. Vậy là trong lớp "người người làm thơ, người người viết truyện" đấy cả thôi! Và ai cũng có dịp để thể hiện lòng mình, dẫu chỉ có vài ba dòng ngắn ngủi.
Và cũng thật dễ hiểu, ở cái tuổi qua chừng "cập kê", dù mới biết "ngọng nghịu làm thơ", thì mảng thơ truyện về tình yêu là chủ yếu. Thôi thì đủ cung bậc, đủ sắc thái tình yêu lứa đôi được các bạn thể hiện ở đây. Nào là Nuối tiếc, Tình hư ảo, Tình đơn phương cho đến yêu buồn theo tháng (Tháng Năm - Trịnh Quỳnh Nga), yêu chuyển theo mùa (Chiều đông - Vũ Thị Thanh Hương), yêu trong dĩ vãng (Ti gôn xa - Nguyễn Thị Tâm) để rồi khắc khoải… sợ cho tình yêu hiện tại: Anh bảo: "Hoa dáng như tim vỡ/ Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi"/ TTKH ơi! Có ai ngờ/ Theo chân nàng tôi biết mình dang dở/ Hoài niệm một thời sắc thắm không phai… Có khi tình yêu đến chỉ là vì một cái cớ rất là …vô cớ:
Có một ngày anh cố đụng xe em
Chỉ va nhẹ rồi ngẩng đầu xin lỗi
Đôi mắt nhìn anh hững hờ không nói
Bước chân đi, thương nhớ cả khoảng trời
(Có một ngày - Lê Sỹ Tường)
Còn có cái cớ nào thơ mộng và… sinh viên hơn nữa!
Tôi đã từng chứng kiến nhiều mối tình sinh viên. Và như nhiều người nói, tình sinh viên chủ yếu là "người với người sống để yêu nhau" vậy thôi chứ có ai mà viên tròn, như ý nguyện đâu sau khi họ đã ra trường. Tôi không phải là người cổ vũ nhiệt tình cho những "mối tình sinh viên" nhưng "chia cho nhau mỗi người một nửa" như Võ Thị Dung đã viết trong "Bài thơ em viết" không phải là ước muốn của tuổi sinh viên hay sao? Để rồi sau đó họ cứ hát "có những mối tình…, có những mối tình…" hoặc "tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề nuối tiếc" thì đấy vẫn là những kỷ niệm của thời phượng hồng vậy…
Tôi rất có cảm tình với những tản văn mà các bạn viết về quê hương, về gia đình. Đó là "Quê hương tuổi thơ tôi" với "Trải qua năm tháng lịch sử thì người già nhất trong làng kể lại cho người già nhất qua nhiều đời họ cũng không biết làng tôi có từ bao giờ, chỉ biết cây đa mà nhiều người ôm không xuể, tán lá rất rộng vẫn còn đứng đó" của Nguyễn Huy Tiến, là "Tản mạn Quy Nhơn" của Trần Thị Huyền, rồi "Viết tiếp tản mạn Quy Nhơn" của Nguyễn Luận. "Quê hương nếu ai không nhớ, Sẽ không lớn nổi thành người" (Đỗ Trung Quân). Mà quả thế thật! Hành trang vào đời của mỗi người, chí ít ai cũng có một mảnh hồn làng, mảnh hồn quê hương…
Và còn đây nữa. Đó là gia đình, là Mẹ, là Ba. Tôi rất ngạc nhiên là trong khi nhiều người vẫn dành những vần thơ hay nhất cho Mẹ, như một lẽ thường tình, thì tập tuyển này lại có rất nhiều bài thơ, tản văn dành viết về người Cha: Gởi (Nguyễn Thị Thu Hiền), Ba tôi (Bùi Thị Diện), Bố tôi (Kiều Thị Thanh Huyền), Viết cho Ba (Bùi Thị Tố Trân), Thơ viết cho Ba (Nguyễn Thị Hà Giang)… Tình cảm Mẹ dành cho con, ai cũng cảm nhận được. Còn Bố? Viết về Bố, Kiều Thị Thanh Huyền có cách cảm nhận khác lạ. Bài viết ngắn, dưới đây trích một đoạn: "Tôi bước chân vào trường đại học, mẹ tôi đã khóc vì phải xa con. Nhưng bố tôi lại im lặng, nhìn bố tôi cứ nghĩ: "Bố sao lạnh lùng đến thế? Bố không thương khi con gái phải xa nhà sao?". Tôi cảm thấy chạnh lòng và đôi chút tủi thân. Nhưng thời gian minh chứng rằng tôi đã lầm. Tình yêu thương của bố dành cho con gái như nén lại bên trong sâu thẳm của đáy lòng mà không bật ra thành lời, bố không thể hiện tình thương ra bên ngoài bằng những cử chỉ hay lời nói mà bố chỉ biết im lặng nhưng tôi đoán rằng bố muốn nói rất nhiều, muốn căn dặn rất nhiều. Bố lúc nào cũng nghĩ con gái bố còn đang rất bé cần được khuyên răn, cần được nhắc nhở. Vì vậy mà những lá thư mà tôi nhận được từ bố không ít. Mỗi dòng chữ bố căn dặn chứa đựng bao nhiêu tình thương mà bố gửi cho con nơi giảng đường Quy Nhơn. Khi tôi đang tập tễnh bước vào cuộc sống tự lập cũng là lúc bố tôi mang trên đầu mái tóc hoa râm. Bố tôi tóc bạc do tuổi tác hay là dồn hết tình cảm cho các con mà không hề nghĩ đến mình? Trong những bước ngoặt của đời tôi luôn có bố bên cạnh".
Bao mảnh ký ức (Con đường lặng lẽ, Xa cách, Kinh nghiệm), bao khát vong (Ước, Sinh nhật, Ngày em hai mươi), thậm chí cả những chuyện tưởng như vặt vãnh trong đời sinh viên cũng được các bạn đưa vào trong thơ (Tên nhóc, Chiều KTX, Đời sinh viên). Cái điệp khúc "người ta bảo sinh viên là sướng nhất… Người ta bảo sinh viên là khổ nhất" trong bài "Đời sinh viên" hẳn cũng là cái điệp khúc hằng ngày của tất cả những ai đã, đang và sẽ là sinh viên, chứ không phải chỉ của riêng mình bạn Nguyễn Thị Thanh.
Chuyến đi thực tế sưu tầm văn học dân gian 2 tuần vừa qua (tháng 3-2004) tại huyện Diên Khánh- Khánh Hòa đã để lại trong không ít các sinh viên của lớp những tình cảm thắm yêu và những kỷ niệm khó quên. Lê Thị Luận (Gửi lại tình quê), Nguyễn Thị Tố Trân (Diên An trong tôi), Lê Thị Thanh Hà (Về đi em)… đã nói hộ tâm trạng của số đông trong lớp. Những cái tên: Diên Điền, Diên An, Diên Khánh trở thành tiếng gọi của tâm hồn và tình cảm của các bạn bây giờ:
Diên Điền ơi! Những ngày yêu dấu!
Em sẽ về bên thềm xưa nắng đợi
Sắc hoa vàng sẽ lại thêm tươi
Em sẽ về khi hội làng đến
Phong lan nhà anh có còn tím nhớ mong?
Em sẽ về để được nghe anh hát
Khúc tình ca Diên Điền yêu thương!
Em sẽ về khi hội làng trống giục
Cùng anh đi giữa hội làng tháng ba!
(Về đi em - Lê Thị Thanh Hà)
Thật khó mà điểm hết những tiếng lòng mà tập thể Văn SP K.25 gởi gắm ở tập tuyển thơ văn "Cơn mưa đầu hạ" này. Chỉ biết rằng những "cơn mưa đầu hạ" như đã tưới mát những tâm hồn, những tấm lòng đang sôi nổi những yêu, những thương và những… giận hờn vô cớ ở tuổi… sinh viên!
. Trần Xuân Toàn |