Là sinh viên, đặc biệt là những sinh viên xa xứ như chúng tôi luôn mong đến Tết để được về quê. Không mong sao được khi gần một năm trời mới được họp mặt cùng gia đình, được gặp gỡ những đứa bạn ngày xưa. Nhưng không phải ai cũng có thứ hạnh phúc giản dị ấy, như tôi chẳng hạn, Tết này là cái tết thứ ba tôi ở lại Sài Gòn.
Có bước chân vào ký túc xá mới thấy nôn nao cảm giác mong được về quê. Đi đâu cũng nghe tiếng bàn tán. Ở cầu thang, dưới nhà tắm tập thể, trong phòng học… Có người đã mua quà cáp, bánh mứt sẵn sàng, chỉ chờ ngày giờ lên tàu. Chỉ khổ những người ở xa, phải ăn ngủ ở nhà ga cả ngày mới mua được vé về. Cũng có người không mua được, đành nuốt nước mắt mà ở lại. Còn tôi, ba năm rồi không về quê bởi lẽ… không có tiền mua vé xe nói chi đến vé tàu. Hai cái Tết đã trôi qua, năm nào tôi cũng lang thang qua các ngả đường hoặc nhốt mình trong phòng, giết thời gian như một kẻ... thất tình. Tôi nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ mấy đứa bạn da diết. Tôi rất sợ những hình ảnh của quê nhà hiện lên trong lòng vì nó luôn thôi thúc tôi phải về, nó làm cho tôi muốn khóc một cách vô cớ. Nhưng dù cố gắng, tôi vẫn nhớ mồn một rừng núi miền Trung.
Hồi đó, chiều chiều tôi và nhỏ bạn thân hay ngồi trên đồi nhìn xuống những thôn làng. Những con người nhỏ xíu, mái nhà cũng nhỏ xíu. Chúng tôi cùng mơ ước học lên Đại học rồi về quê làm việc. Cuối cùng chỉ có mình tôi đi học. Nhỏ bạn lấy chồng khi vừa tốt nghiệp mười hai, bỏ lại sau lưng những ước mơ vụng dại. Tôi đi xa mà nhỏ ấy bảo không được quên núi đồi, không quên những dòng suối nhỏ, những thửa ruộng bậc thang, những cánh cò buổi ban chiều. Tôi cười bảo nhỏ lắm chuyện nhưng tôi biết mình sẽ nhớ rất nhiều, có khi còn hơn nỗi nhớ nhiều người cộng lại. Ngày cuối cùng tiễn tôi có ba mẹ, thầy cô và hơn hai chục thành viên của lớp 12A1. Tôi không khóc nhưng thấy lũ bạn cứ sụt sịt mãi, đến chừng bước lên tàu rồi tôi mới òa khóc nức nở. Mấy cánh tay níu lấy muốn không rời. Đó là hình ảnh đọng mãi trong lòng tôi.
Tết này lại không về. Gia đình, bạn bè viết thư vào bảo cố gắng chịu đựng thêm năm nữa. Thì phải cố chứ biết sao. Lũ bạn nghịch ngợm gởi mấy bình rượu Bàu Đá cho tôi để dành uống mấy ngày Tết, cảm nhận hương vị của quê hương. Tôi định thay đổi kế hoạch ăn Tết cho mình. Tôi sẽ không quẩn quanh mấy ngả đường, không nhốt mình trong phòng nghe những ca khúc buồn. Tôi sẽ ăn Tết với những người bạn cùng cảnh ngộ. Những bình rượu Bàu Đá sẽ có nhiều người thưởng thức. Nỗi buồn sẽ chia nhỏ ra cho từng người và niềm vui thì được nhân lên ở cấp số nhân. Tôi sẽ viết thư về cho gia đình và chúng bạn để bảo rằng năm nay tôi sẽ đón Tết thật vui.
. Nguyễn Ngọc Phương
(106/1/6 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. 21, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) |