Hiện nay, tại các khu nhà trọ ở thành phố Quy Nhơn, chuyện sinh viên nam nữ thuê nhà ở với nhau như vợ chồng không còn là chuyện lạ. Yêu, hợp tính nhau thì dọn đến sống với nhau, mọi khoản chi phí đều cưa đôi, nếu thực sự gắn bó với nhau thì sau khi ra trường tính tiếp, không hợp thì chia tay.
* "Góp gạo thổi cơm chung"
Thoạt nhìn, mọi người sống ở khu nhà trọ cứ ngỡ Thùy và Hùng là đôi vợ chồng nhưng thật ra họ chỉ "góp gạo thổi cơm chung". Cả hai đều là công nhân, Thùy làm gần nhà còn anh Hùng làm ở KCN Phú Tài. Cả hai giao ước: lo chung các khoản thuê nhà, cơm nước và những thứ lặt vặt, phần còn lại "hồn ai nấy giữ". Hàng xóm hỏi thăm "chừng nào cưới", cả hai nửa đùa nửa thật "chờ đến tháng sau". Nhưng chờ mãi cả năm nay, mọi người vẫn chưa thấy họ thông báo tổ chức cưới. Hùng tâm sự: "Nói thì nói vậy thôi chứ chừng nào cưới chính tôi đây cũng chưa chắc. Tôi quen Thùy đã hai năm nay, tính tình cô ấy cũng được. Hai đứa góp gạo thổi cơm chung, đằng nào cũng mất công thuê phòng, rồi cơm nước… hai đứa chung lại đỡ tốn hơn. Thú thật, từ ngày có cô ấy, tôi ăn uống đàng hoàng hơn, tiền tiêu cũng đỡ tốn hơn trước". "Chẳng lẽ thế này mãi sao?"- "Tôi đang tính chuyển công việc khác, chờ ổn định xong rồi mới tính tiếp, còn trẻ, vội gì…" - Hùng vừa cười vừa nói.
Ngọc Hoa, sinh viên học tại chức Trường Trung cấp Nghệ thuật Bình Định, bày tỏ quan điểm của mình: "Chúng em yêu nhau, sống với nhau thì có gì mà không được? ". Nhiều đôi sinh viên, thuê nhà trọ, góp tiền sống chung đến tận khi ra trường. Anh Hùng, một chủ nhà trọ ở đường Lê Lai, thành phố Quy Nhơn cho biết: "Tôi ớn nhất là các cặp sinh viên nam nữ thuê nhà ở chung, rắc rối lắm. Họ sống chẳng khác gì các cặp vợ chồng nhưng khổ nỗi chuyện cãi cọ xảy ra cũng không ít. Chuyện ghen tuông vẫn thường xảy ra. Thậm chí có lần đánh ghen làm náo loạn cả khu nhà…".
* Đoạn kết của "sống thử"
Không phải kết cục của cuộc "sống thử" nào cũng dẫn đến chia tay mà có đôi đã nên vợ nên chồng. Nhưng cuộc sống của họ có hạnh phúc tràn đầy nữa không khi mà cuộc sống đôi lứa không còn gì mới lạ, hấp dẫn? Vợ chồng N.T.Nhung và T.H.Thưởng ở xóm Tiêu, phường Quang Trung, Quy Nhơn là một điển hình. Sau khi sống chung với nhau gần 5 năm trời, dành dụm tiền mua đất, cất nhà, hai người mới làm đám cưới. Những tưởng cuộc sống sẽ tràn trề hạnh phúc, nhất là khi chị Nhung có thai, thế nhưng cuộc sống của hai người lại nặng nề, tẻ ngắt dù mới cưới nhau chưa được nửa năm. Từ ngày cưới đến nay, chị chẳng được tự do như trước. Thậm chí, có lần anh còn lớn tiếng đuổi chị ra khỏi ngôi nhà mà chị đã cùng anh gây dựng. Chị Nhung chỉ biết khóc thầm, thương cho mình phận bạc, uổng công chị dành dụm, chắt bóp cùng anh mua đất, cất nhà.
Tuy không hạnh phúc, nhưng xem ra chị Nhung còn may mắn hơn nhiều cô gái khác trót sống thử trước khi kết hôn. Thực tế cho thấy rằng, kết thúc của cuộc tình sống thử thường là "đường ai nấy đi", và người chịu thiệt thòi hơn thường là các cô gái. Chị Nguyễn Thị Mai (quê Phú Yên) công nhân gỗ tại KCN Phú Tài yêu và thuê nhà sống chung với Hoàng, một công nhân của xưởng bên cạnh. Đến khi có thai, sinh con rồi, cô mới biết rằng Hoàng đã có vợ con đuề huề ở ngay thành phố Quy Nhơn. Mai cắn răng chấp nhận phận vợ hờ.
Xem ra "sống thử" không phải là một sự lựa chọn để đi đến xây dựng một gia đình hạnh phúc như mọi người vẫn tưởng.
. Hoàng Lan |