Không ít lần, tôi đã nghe lời phàn nàn của những người lớn tuổi: "Bọn trẻ ngày nay sao thực dụng quá. Chẳng biết nghĩ gì đến ai cả". Liệu có đúng vậy không? Tôi tin chắc là không hoàn toàn như vậy.
|
Hiền - "cô bảo mẫu không chuyên" - đang cho một em bé bị bại liệt ăn |
1. Tôi tình cờ gặp em ở Văn phòng Hội Bảo trợ người tàn tật (NTT) và trẻ mồ côi (TMC) tỉnh. Em có vóc dáng rất thư sinh. Vậy mà cô Tâm, Chủ tịch Hội, giới thiệu với tôi: "Trông vậy mà mạnh mẽ lắm đấy. Không thế mà tự đi làm nuôi mình, trang trải chi phí học tập. Rảnh lúc nào là giúp cô lúc đó, khi thì cắt khẩu hiệu trang trí, giao lưu, tặng quà các em nhỏ các lớp học tình thương, các làng dân tộc...". Hỏi ra mới biết, tên em là Lê Trọng Duy (SN 1985), sinh viên năm 2 Khoa Tự nhiên của Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định. Quê em ở làng Vĩnh Khương, xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh, cha mất sớm từ khi còn nhỏ, em sống với mẹ và bà ngoại. Từ khi học cấp hai, cấp ba em đã phải đi làm để phụ thêm với mẹ. Ngày thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định, mẹ "dắt lưng" cho hai triệu đồng xuống Quy Nhơn. Nhưng em tính: "Với hai triệu đó, sau khi đóng học phí, thì chẳng còn dư là bao, chi bằng lấy tiền đó đi học lấy một cái nghề để có thể kiếm sống được". Vậy là, nhân lúc chưa nhập học, em khăn gói ra Quảng Ngãi học nghề xử lý hình ảnh trên máy vi tính. Hai năm qua, vừa đi làm, vừa đi học, cuối tuần về quê đưa ảnh đã xử lý, rồi nhận ảnh mới. Mỗi tuần Duy kiếm khoảng trên trăm ngàn đồng, đủ tiền trang trải cho cuộc sống sinh viên xa nhà. "Ngoài việc học và đi làm, thời gian còn lại em dành cho công tác từ thiện. Có lẽ, vì em cũng là người nghèo nên hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của những người đồng cảnh ngộ và muốn làm một cái gì đó để giúp họ" - Duy cười hiền lành dễ mến. Trước khi là hội viên của Hội Bảo trợ NTT và TMC, em đã tham gia và hiện vẫn là trưởng nhóm Helping Hand (bàn tay giúp đỡ) gồm những thành viên là học sinh, sinh viên và cả những người đã đi làm, cùng có chung một tâm niệm: hãy làm được việc gì đó có ích cho người khổ hơn mình. Họ cũng đã đi lấy chữ ký ủng hộ những nạn nhân chất độc màu da cam, đi thăm, tặng quà cho các lớp học tình thương. Tiền quyên góp để đi thăm, tặng quà các lớp học tình thương là từ những công việc họ làm thêm hoặc của bạn bè trong nhóm gởi về.
2. Hôm rồi, lên thăm nhà trẻ thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh- nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị tật nguyền không có người thân săn sóc - ở đó, ngoài các cô bảo mẫu của nhà trẻ, tôi còn được gặp "cô bảo mẫu không chuyên" tên là Hiền. Trông cô cho các em bị bại liệt ăn uống thành thạo chẳng khác gì các cô bảo mẫu chuyên nghiệp. Mọi người ở Trung tâm kể chuyện: Hiền, 20 tuổi, là đứa trẻ bị tật nguyền, trước đây sống lang thang, ai sai gì làm nấy, thậm chí đã từng ăn xin tại chợ thị trấn Bình Định. Thế rồi, trong đợt thu gom những người lang thang, cơ nhỡ năm 2003, Hiền được đưa vào sống ở Trung tâm. Thấy hoàn cảnh những em bé tội nghiệp, Hiền tình nguyện ở nhà trẻ cả ngày để giúp các cô bảo mẫu trông nom, cho các em ăn, tắm rửa các em nhỏ. Hỏi vì sao em lại làm công việc này, Hiền chỉ cười mà không đáp. Nhưng tôi biết, chỉ có xuất phát từ tấm lòng mà Hiền mới tình nguyện làm những công việc như vậy.
3. Tôi biết có một Chi đoàn thanh niên của một cơ quan, trong mỗi nửa nhiệm kỳ, bên cạnh những mục tiêu phấn đấu hoàn thành tốt công việc chuyên môn, họ còn đề ra một chương trình là làm được việc gì đó có ích cho những người khác. Chẳng hạn như thu gom quần áo cũ, sách báo cũ tặng những người nghèo khổ, hoặc là vận động những nhà hảo tâm tặng sách, vở cho những trẻ em mồ côi tại các lớp học tình thương, các cơ sở xã hội. Mới đây, họ lại đi vận động, trích một phần quỹ Đoàn để sắm những vật dụng cần thiết cho ngày Tết, chở lên An Nhơn để giúp cho ba anh em mồ côi, nhà nghèo tự nuôi nhau. "Để các em có một cái Tết ấm cúng hơn" - họ bảo thế. Có thể những phần quà của họ chẳng là bao, nhưng điều quan trọng là họ đã không quên những số phận hẩm hiu.
. Hoàng Lan |