Người bị bệnh gút nên ăn uống như thế nào?
16:48', 1/10/ 2003 (GMT+7)

Theo các bác sĩ, bệnh gút (goutte) có thể được đề phòng và điều trị bằng nhiều phương pháp, trong đó vấn đề ăn uống đóng vai trò quan trọng.

Bệnh gút là một loại viêm khớp xảy ra đột ngột, thường vào ban đêm. Ai cũng có thể bị bệnh này, song hay gặp ở nam giới tuổi trung niên. Nữ giới trước tuổi mãn kinh hầu như không bị bệnh gút, nhưng sau tuổi 60, số nam và nữ mắc bệnh ngang nhau. Bệnh có tính di truyền, hay tái phát với biểu hiện sốt, sưng đau ở các ngón chân, nhưng đau dữ dội nhất là ngón chân cái. Đấy là gút cấp tính. Còn gút mạn tính chủ yếu gặp ở người già với nổi u cục ở quanh khớp, màng hoạt dịch, đầu xương, sụn… Nguyên nhân gây bệnh gút là do quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng làm acid uric trong máu tăng. Khi acid này tăng quá cao (quá 7mg%) và tổng lượng acid uric trong cơ thể tăng quá 150.000 mg thì nó sẽ lắng đọng ở một số tổ chức và cơ quan dưới dạng tinh thể: nếu lắng đọng ở màng hoạt dịch thì gây viêm khớp, lắng đọng ở thận gây sỏi thận…

Để phòng bệnh gút bộc phát, riêng về mặt ăn uống, người bệnh cần chú ý một số điều như sau:

1- Tránh béo bệu, vì người béo phì dễ mắc bệnh gút do thường có mức độ acid uric cao. Với người đã béo, cần ăn ít mỡ và protein, thực hiện chế độ giảm cân dần dần có sự hướng dẫn của thầy thuốc, song không nên kiêng cữ quá mức, vì có thể làm cho các tế bào suy nhược và phóng thích acid uric khiến bệnh gút phát sinh.

2- Không dùng thực phẩm có purin cao như: gan, thận, lách, óc, tôm, cua, trai, cá trích, cá mòi, thịt, nước thịt, cháo thịt... vì có thể làm tăng cao acid uric.

3- Hạn chế các loại thực phẩm có purin như: măng, đậu khô, bông cải, nấm, bột yến mạch, đậu Hà Lan khô, rau dền, sò, ngũ cốc nguyên hạt, men rượu, cá, thịt, bò, gà, vịt…

4- Uống nhiều nước, vì có thể giúp thải trừ acid uric dư thừa khỏi cơ thể trước khi nó gây hại đồng thời có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận mà người bị bệnh gút hay mắc. Ít nhất mỗi ngày uống 5 - 6 ly nước mới có kết quả tốt. Có thể uống thêm dung dịch kiềm (bicarbonat Na 1.000ml/ngày), vì phản ứng viêm của màng hoạt dịch sẽ làm tăng chuyển hóa, sinh nhiều acid lactic tại chỗ và làm giảm độ pH, môi trường càng toan thì urat càng lắng đọng nhiều và phản ứng viêm càng liên tục kéo dài.

5- Không uống rượu, bia, vì rượu có thể làm gia tăng sản xuất acid uric và cản trở sự bài tiết chất này khiến bệnh gút phát sinh. Bia cũng vậy vì chứa nhiều chất purin hơn cả rượu nho và rượu mạnh…

Bệnh gút gây đau khớp dữ dội, có thể làm mất khả năng vận động và đe dọa tính mạng người bệnh bởi các biến chứng thận, nhiễm khuẩn và suy kiệt. Bởi vậy, cần chủ động phòng bệnh phát sinh bằng mọi biện pháp, trong đó vấn đề ăn uống có vai trò quan trọng.

. (Theo Văn hóa và Nghệ thuật ăn uống)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người già và trách nhiệm của xã hội   (30/09/2003)
Phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng   (29/09/2003)
Mười lời khuyên dành cho người cao tuổi trong việc ăn uống   (28/09/2003)
Dân số hiện nay đang già hóa  (26/09/2003)
Bệnh vàng da trẻ sơ sinh và những điều cần lưu ý   (25/09/2003)
Chú ý khi trẻ con kêu nhức đầu   (24/09/2003)
Tự uống thuốc: lợi hay hại?   (23/09/2003)
Món ăn - bài thuốc cho người bị chấn thương sọ não   (22/09/2003)
Sắc đẹp đến từ giấc ngủ ngon   (21/09/2003)
Phòng bệnh răng miệng trẻ em: Không để quá muộn   (19/09/2003)
Tiến bộ mới trong điều trị bệnh tim   (18/09/2003)
Điều dưỡng và chăm sóc người bệnh  (17/09/2003)
Phòng các chứng đau đầu   (16/09/2003)
Tập thể dục giúp phụ nữ ngăn ngừa ung thư vú   (14/09/2003)
Những điều cần biết để làm mẹ an toàn   (11/09/2003)