Khi giáo dục trẻ em ta nên từ việc nầy gợi mở việc khác một cách khéo léo, tự nhiên để bé tự giác. Chẳng hạn khi ăn cơm xong, nhờ bé lấy cuộn giấy lau miệng hoặc tăm, bé lấy, mẹ cảm ơn rồi gợi ý: "Tý nữa bố ăn xong, bé lấy gì cho bố nhỉ?". Bé đã nhớ ra rồi, việc giúp đỡ lấy giấy và tăm hoặc mang trái cây mời bố, bé rất thích được khen.
Tới lúc bố ăn xong, mẹ nên nhắc bé, để bé được củng cố việc làm tốt đẹp đó để trở thành một thói quen. Ngoài ra có thể mở rộng thành nhiều chuyện khác, chẳng hạn như giúp bố mẹ mang dép, giày trong nhà lúc vừa đi làm về, cất mũ giùm bố mẹ..., tìm cơ hội tốt giúp bé mở rộng quan hệ với người xung quanh.
Có nhiều bé ít nói, nhút nhát, thấy người lạ là tránh xa, không nói chuyện, thích chui vào một góc để ngồi. Cha mẹ, ông bà nên tìm cơ hội giúp bé có điều kiện gặp người lớn, bè bạn để mở rộng quan hệ. Khi có khách tới, dạy bé biết cách chào hỏi, dẫn bé đến các cửa hàng mua đồ, dạy bé cách chào, tiếp xúc với người bán hàng, đề ra yêu cầu với cô, chú bán hàng, cô cho cháu xem con cá kia, chiếc ô tô màu vàng... cô đổi cho cháu chiếc xe màu xanh. Dạy bé có bản lĩnh giao tiếp. Dần dần sẽ khắc phục được tính nhút nhát không dám nói chuyện.
Ở nhà có những sự việc, đồ chơi mới mà bé đặc biệt thích thú. Đó là điểm hứng thú, ta cần nắm vững để giúp bé ngoan, nghe lời. Chẳng hạn bé rất thích được đi chơi bằng xe máy. Đó là điểm hứng thú nhất. Bố mẹ phải nắm vững điều đó. Khi bé có hoàn thành việc gì đấy thì bố mẹ mới thưởng cho đi chơi bằng xe máy. Chẳng hạn học hành tốt, hay đánh răng rửa mặt sạch sẽ mới được thưởng.
. Thanh Tâm
|