Cẩn thận với u răng
16:15', 9/10/ 2003 (GMT+7)

Sâu răng, nhiễm trùng răng hoặc chấn thương răng dễ dẫn đến u răng. Đây là căn bệnh nguy hiểm, dễ dẫn đến rụng răng hàng loạt, biến dạng hàm, mặt...

Chỉ cần va chạm nhẹ là lập tức răng rụng! Chuyện bất thường này đã xảy ra với anh Phạm Ngọc A., 27 tuổi, quê ở Bình Thuận. Anh vội vàng đến Viện Răng - Hàm - Mặt TP Hồ Chí Minh khám thì được các bác sĩ chẩn đoán anh có u nang răng do để lâu nên đã phá hủy xương hàm. Cách đây 20 năm, anh bị té gãy một phần thân răng, sau đó răng đổi dần sang mầu vàng xanh (hiện tượng chết tủy). Mỗi lần vùng răng bị chấn thương sưng lên, chảy mủ, anh lại tự đi mua thuốc uống để cho chỗ sưng bớt đi. Và đã tự điều trị nhiều lần như thế!

* Một tháng có 30 bệnh nhân nhập viện

Theo tiến sĩ - bác sĩ Lâm Hoài Phương, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình Viện Răng - Hàm - Mặt TP Hồ Chí Minh, ở các nước phát triển rất hiếm gặp bệnh nhân mắc những bệnh như u nang răng và u nang dạng men. Còn ở Việt Nam, đây không phải là căn bệnh hiếm gặp, đặc biệt trong tháng 8 vừa qua có tới gần 30 bệnh nhân mắc 2 loại bệnh này đến Viện Răng - Hàm - Mặt TP Hồ Chí Minh để khám và điều trị. Phần lớn bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi đã bị sưng vùng mặt ở xương hàm, lung lay răng, rụng răng. Phương pháp điều trị duy nhất cho những loại bệnh này là phẫu thuật để lấy u. Tuy nhiên nếu bệnh nhân đến sớm thì phẫu thuật đơn giản, tiên lượng tốt, còn khi đến trễ điều trị khó, thậm chí còn để lại nhiều di chứng như lép mặt, răng rụng hàng loạt cản trở các chức năng nhai, nuốt, nói...

* Khám răng định kỳ để phát hiện bệnh sớm

Tiến sĩ - bác sĩ Lâm Hoài Phương cho biết u nang răng có hai loại: Đó là nang chân răng và nang thân răng.

Nguyên nhân xuất hiện nang chân răng là do răng bị nhiễm trùng, răng sâu hoặc chấn thương răng. Dấu hiệu duy nhất để sớm nhận biết tình trạng này là răng đổi mầu. Ngoài ra, người bệnh không hề có triệu chứng đau nhức hay khó chịu. Chỉ sau này, khi bệnh trở nặng mới xuất hiện các triệu chứng như có mủ chảy ra, đau ở vùng có u, lung lay răng, sưng mặt ở xương hàm... còn nang thân răng bắt đầu từ một chiếc răng ngầm và sau đó phát triển thành nang nên lúc đầu rất khó thấy. Chỉ đi khám định kỳ mới phát hiện được.

Về u men dạng nang: Những mầm men ngà còn tồn tại từ lúc sinh ra tạo thành loại u này. Đặc điểm của loại u này là rất dễ tái phát. Khi u men dạng nang phát triển sẽ lan vào các tổ chức xung quanh như phần mềm, xương hàm, khớp thái dương hàm, sàn sọ. Lúc đó các bác sĩ buộc phải cắt xương hàm, tháo khớp. Sau đó, gương mặt bệnh nhân bị biến dạng hoàn toàn, chức năng nhai, nuốt, nói, thở... đều rất khó khăn.

Để phát hiện sớm các loại u răng này, theo bác sĩ Phương, bệnh nhân nên đi khám răng định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần để được điều trị sớm, tránh những biến chứng có thể xảy ra.

. (Theo Người lao động)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bệnh mắt hột   (08/10/2003)
10 điều cần tránh cho trẻ   (07/10/2003)
Nghệ thuật giáo dục trẻ em   (06/10/2003)
Sử dụng bếp gas an toàn   (05/10/2003)
Kem xoa ban đêm: Nên hay không nên dùng   (03/10/2003)
Rối loạn tâm thần ở tuổi học đường   (02/10/2003)
Người bị bệnh gút nên ăn uống như thế nào?   (01/10/2003)
Người già và trách nhiệm của xã hội   (30/09/2003)
Phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng   (29/09/2003)
Mười lời khuyên dành cho người cao tuổi trong việc ăn uống   (28/09/2003)
Dân số hiện nay đang già hóa  (26/09/2003)
Bệnh vàng da trẻ sơ sinh và những điều cần lưu ý   (25/09/2003)
Chú ý khi trẻ con kêu nhức đầu   (24/09/2003)
Tự uống thuốc: lợi hay hại?   (23/09/2003)
Món ăn - bài thuốc cho người bị chấn thương sọ não   (22/09/2003)