Co giật do sốt cao là những cơn co giật toàn bộ cơ thể xảy ra ở trẻ em trong quá trình của một bệnh cấp tính có sốt. Đây là nhóm bệnh gắn liền với lứa tuổi của bệnh nhi và phần lớn các trường hợp đều lành tính. Điều quan trọng là cần phân biệt co giật do sốt cao với động kinh vì trong động kinh các cơn tái diễn nhưng không sốt. Tuy nhiên, một trẻ em đã có bệnh động kinh hoặc có tố tính đối với loại cơn động kinh toàn bộ nguyên phát, có thể thấy xuất hiện một cơn toàn bộ trong quá trình tiến triển của một căn bệnh có sốt và sự kiện đó có thể diễn ra ở bất cứ tuổi nào, nhưng phổ biến hơn là ở các trẻ nhỏ.
Đối với các đối tượng trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, co giật do sốt cao chiếm tỷ lệ khoảng 3%. Theo Lewis và cộng sự (1979), khoảng 90% các trường hợp co giật do sốt cao có nguyên nhân là nhiễm virut đường hô hấp trên. Ngoài ra, khoảng 10% bệnh nhi có tiền sử gia đình có người bị co giật do sốt cao. Nhiệt độ gây co giật thường trên 390C. Một yếu tố quan trọng khác cần chú ý là thường thấy các trẻ gái dưới 18 tháng tuổi cũng hay bị co giật do sốt cao.
Thực tế cho thấy có hai loại biểu hiện lâm sàng:
- Co giật do sốt cao đơn thuần hoặc không có biến chứng với sự xuất hiện của các cơn co giật toàn bộ xảy ra ở các trẻ phát triển bình thường. Các cơn thường ngắn, không xảy ra nhiều lần trong ngày và là những cơn không để lại triệu chứng thần kinh như liệt nhẹ thoáng qua.
- Co giật do sốt cao có biến chứng với tính chất kéo dài của các cơn mang nét cục bộ hoặc thấy rõ hơn ở một bên cơ thể. Các cơn đó có thể xảy ra nhiều lần trong cùng một ngày; mặt khác cũng có thể để lại các triệu chứng thần kinh như liệt nhẹ thoáng qua hoặc kéo dài. Người ta nhận thấy ở các trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, tỷ lệ co giật do sốt cao có biến chứng lên tới 30%. Hơn 75% loại này gặp ở ngay cơn co giật đầu tiên và nói chung, người ta không biết rằng trẻ đã bị sốt trước khi có cơn co giật.
Tỷ lệ tái phát của co giật do sốt cao dao động từ 25% đến 50%, trung bình là 30%. Khoảng 9% các trường hợp thấy các bệnh nhi có ba cơn co giật hoặc nhiều hơn nữa. Cơn đầu tiên xảy ra khi trẻ còn nhỏ tuổi bao nhiêu thì càng có nguy cơ tái phát bấy nhiêu, nhất là đối với các bé gái. Nelson và Ellenberg (1978) nhận thấy 50% các trường hợp có cơn lần thứ hai xảy ra sáu tháng sau cơn lần đầu, 75% trong năm đó và 90% trong vòng hai năm.
Các bệnh nhi bị co giật do sốt cao cần được thăm khám lâm sàng toàn diện, đặc biệt chú trọng kiểm tra hô hấp, tai-mũi-họng, tiêu hóa và thần kinh. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhi sẽ được thăm dò chức năng như ghi điện não và làm các xét nghiệm cận lâm sàng về huyết học, sinh hóa, vi sinh, X quang.
Căn cứ vào các đặc điểm lâm sàng và các kết quả xét nghiệm, thầy thuốc cần phân biệt loại trừ các trường hợp ngộ độc thuốc hoặc thức ăn, cơn ngất, cơn phản xạ do thiếu oxy, các bệnh viêm não, viêm màng não, rối loạn chuyển hóa…
Cần hướng dẫn cho gia đình của bệnh nhi biết cách theo dõi, phát hiện kịp thời khi xảy ra sốt và cách xử trí đúng đắn, hợp lý. Có thể chườm nước ấm hoặc chườm nước lạnh, dùng thuốc hạ nhiệt và Diazepam đặt hậu môn. Đối với trường hợp đã vào viện, cần kiểm tra dịch não - tủy để loại trừ các nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương.
Đối với các bệnh nhi thuộc loại co giật có biến chứng, sau cơn cần chú ý cho thuốc kháng động kinh dự phòng. Mọi trường hợp co giật do sốt cao đều cần được theo dõi lâu dài và kiểm tra định kỳ tại các cơ sở khám chữa bệnh hoặc các viện/bệnh viện chuyên khoa nhất là về mặt thần kinh trẻ em.
. Theo Sức khỏe gia đình
|