Không ai có thể thống kê được có bao nhiêu người uống rượu. Như một căn bệnh trầm kha, người ta có thể "nốc" thứ nước lên men này vào cơ thể bất cứ lúc nào khi có cơ hội. Và khi quá chén rượu có thể gây nhiều tác hại. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông hiện nay đều xuất phát từ người điều khiển phương tiện có hơi men, hoạt động trong lúc "nửa mê nửa tỉnh".
Với bản thân người uống rượu, cơ thể sẽ bị hủy hoại dần bởi vô số những biến chứng tai hại do rượu gây ra: từ chảy máu đường tiêu hóa, xơ gan, viêm tụy đến các bệnh lý về tim mạch và quan trọng nhất là các rối loạn tâm thần kinh ở người nghiện.
Tại sao rượu có tác hại ghê gớm đến như thế? Thông thường, rượu được pha chế bằng cách lên men từ gạo, nếp; một số nơi có thể làm bằng cồn sau đó bổ sung thêm hương vị. Đó là những loại rượu bình dân, giá thành thấp, nhưng lại có sức sống mãnh liệt hơn các loại rượu cao cấp khác bởi độ "sần" đến mau mà lại giữ được lâu. Khi ta uống rượu sẽ có hai hiện tượng sinh lý cùng xảy ra trong cơ thể, đó là sự hấp thu rượu trực tiếp vào máu mà không cần phải thông qua cơ quan tiêu hóa và sự nỗ lực đào thải rượu ra ngoài của cơ thể. Tốc độ hấp thu sẽ chậm hơn nếu dạ dày có thức ăn vì khi đó bao tử có hiện tượng co thắt làm cho nhất thời rượu không xuống được ruột non, nhưng ngược lại nếu rượu được uống cùng với các loại nước giải khát có gaz như: soda, coca… sẽ tăng cường sự lưu chuyển của cồn, phân tán đến các mô, các tế bào của cơ thể, khi đó người uống say nhanh hơn bao giờ hết. Sự đào thải sẽ hoạt động khi rượu xâm nhập vào cơ thể, một phần nhỏ theo các tuyến: mồ hôi, nước tiểu, hơi thở ra ngoài, còn lại phần lớn sẽ được chuyển hóa ở gan.
Những người uống càng nhiều rượu, gan làm việc nhiều một thời gian dài nên "quá tải", mệt mỏi dẫn đến… xơ gan, bệnh tật bắt đầu khởi phát. Ngoài các triệu chứng tức thời trên não bộ như: phấn khích quá độ, huyên thuyên chích chòe, đi đứng lạng quạng, mất tự chủ có thể hành động ngoài ý muốn, gây nhiều tác hại cho gia đình và xã hội. Về lâu dài, rượu làm suy giảm hệ thần kinh trung ương và các hệ thống khác trong cơ thể. Cụ thể, trên hệ tiêu hóa: gây nôn, xuất huyết dạ dày, rối loạn đường ruột, tiêu chảy…; đối với cơ quan chuyển hóa: gây xơ ga, tắc mật, viêm tụy; trên hệ tim mạch: gây xơ vữa động mạch, tiểu đường, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… có thể gây đột quị: nhẹ thì liệt còn nặng có thể bị tử vong; trên nội tiết có thể gây bất lực ở nam giới, sanh con dị dạng ở phụ nữ, rối loạn kinh nguyệt…; đặc biệt trên hệ thần kinh nếu uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến loạn thần kinh, một biến chứng nguy hiểm của rượu.
Rượu tác động xấu đến nhân cách, hủy hoại cơ thể, gây mất an ninh cho xã hội, đã đến lúc báo động cho mọi người thấy: nếu sử dụng không đúng thì rượu là con đường nhanh nhất đưa ta đến với tử thần.
. Ds. NGỌC HÒA |